.
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

Nghĩa vụ nuôi con, mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Cập nhật: 19:17, 09/05/2018 (GMT+7)

Hỏi: Vợ chồng tôi có 1 đứa con 5 tuổi, do cuộc sống không hòa hợp, vợ chồng tôi đã ký đơn thuận tình ly hôn gửi đến Tòa án. Hiện Tòa án đã thụ lý đơn và chuẩn bị đưa ra xem xét. Vậy, sau khi ly hôn, ai sẽ là người có nghĩa vụ nuôi con, cấp dưỡng nuôi con và mức cấp dưỡng quy định ra sao? (Lê Thị Cúc - TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (HNGĐ), Điều 81 quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều 82 Luật HNGĐ, quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Như vậy, nếu bà hoặc chồng bà là người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo bản án của Tòa án, thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho đến khi con đã thành niên và có khả năng lao động, hoặc có tài sản để tự nuôi bản thân. 

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (khoản 1, Điều 116 Luật HNGĐ).

Các quy định trên cho thấy, pháp luật không định lượng cụ thể mức cấp dưỡng cho con là bao nhiêu, mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng (chi phí ăn, ở, mặc, học tập, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu sinh hoạt thông thường khác). Cần lưu ý, mức cấp dưỡng có thể thay đổi khi có lý do chính đáng. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (khoản 2, Điều 116 Luật HNGĐ). 

Luật gia: THANH MAI

 
.
.
.