Áp dụng biện pháp ngăn chặn để thi hành án dân sự
* Hỏi: Tôi là nguyên đơn dân sự trong vụ kiện tranh chấp tài sản. Vụ án đã được Tòa án xét xử và tuyên buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho tôi. Tôi đã có đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án (THA). Trong khi chờ thực hiện việc THA, tôi phát hiện bị đơn tranh chấp với tôi về quyền tài sản là người phải THA có giao dịch chuyển quyền sử dụng tài sản phải THA là xe ô tô và nhà xưởng. Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? (Phan Thị Trúc, TP.Bà Rịa)
* Trả lời: Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-VPQH ngày 11-12-2014 của Văn phòng Quốc hội), Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm THA nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc THA. Trong các biện pháp bảo đảm THA, Chấp hành viên có quyền yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (Điều 69 Luật THADS).
Theo đó, trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc THA, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải THA, tài sản chung của người phải THA với người khác. Quyết định này phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để THA, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải THA, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật THADS.
Căn cứ những quy định trên, bà Trúc có thể làm đơn gửi đến cơ quan THADS đang thụ lý vụ việc, yêu cầu áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn giao dịch chuyển quyền sử dụng tài sản tranh chấp đã được xác định là tài sản THA, nhằm bảo vệ quyền lợi của bà trong việc THA.
Luật gia: THANH MAI