Nuôi chim yến không phép, làm phiền hàng xóm
Các hộ dân hẻm 105 Lê Lợi, phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) gửi thư đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh, từ nhiều năm nay, tại nhà số 105/44 Lê Lợi (phường Thắng Nhì) nuôi chim yến gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Nhiều lần họ đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vụ việc chưa được giải quyết.
Nhà nuôi chim yến của ông Lê Xuân Xuyên. |
Ông Nguyễn Văn Lý, người dân trong hẻm 105 Lê Lợi (phường Thắng Nhì) cho biết, từ nhiều năm nay, tiếng loa dụ chim yến tại nhà số 105/44 Lê Lợi mở từ sáng đến chiều tối như “hét” vào tai khiến họ “ăn không ngon ngủ không yên”, cứ mỗi khi chợp mắt nghỉ ngơi là bị tiếng loa dụ chim đánh thức.
Một người dân trong hẻm còn phàn nàn mỗi khi chủ nhà bật máy phun nước tạo độ ẩm làm cho mùi phân chim hôi thối theo gió len lỏi khắp nơi “tấn công” nhà dân xung quanh. “Chúng tôi đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng nuôi yến gây ô nhiễm trong khu dân cư để người dân ổn định cuộc sống”, người này nói.
Ngày 23-4, có mặt tại nhà số 105/44 Lê Lợi, chúng tôi nhận thấy, vị trí nuôi yến được bố trí trên tầng thượng của căn nhà 1 trệt 2 lầu. Các bức tường 4 bên đều được tạo ra các lỗ nhỏ để chim yến bay vào làm tổ. Tiếng loa dụ chim yến kêu líu chíu đập vào tai. Gần cửa thông gió của chuồng nuôi có mùi hôi phân chim.
Chủ nhà 105/44 Lê Lợi - ông Lê Xuân Xuyên cho biết, gia đình ông nuôi chim yến ở lầu trên cùng của căn nhà đã được 5 năm nay với diện tích khoảng 60m2 nhưng không có giấy phép. Mỗi ngày, ông mở loa dụ chim yến buổi sáng bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ. “Phân chim yến rất ít và tôi để một lỗ lớn thông gió nên không có mùi hôi như người dân phản ánh. Thời gian tới, tôi sẽ mở nhỏ âm lượng và rút ngắn thời gian mở loa dụ chim”, ông Xuyên nói.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, bà Trương Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì cho biết, hiện nay, trên địa bàn phường có 3 hộ nuôi chim yến. Từ trước đến nay, chính quyền địa phương cũng như khu phố chưa nhận được thông tin của người dân về việc nuôi chim yến gây ô nhiễm trong khu dân cư. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin từ Báo Bà Rịa-Vũng Tàu chính quyền địa phương sẽ xuống kiểm tra, xác minh, đồng thời họp các hộ dân xung quanh để tiếp thu ý kiến. UBND phường cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng TP.Vũng Tàu kiểm tra tiếng ồn và ô nhiễm từ việc nuôi chim yến trên địa bàn phường để có cách xử lý phù hợp.
Chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến phải phù hợp với quy hoạch, hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Cường độ âm thanh để dẫn dụ chim yến không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh trước khi đưa ra môi trường. (Thông tư 35/2013 của Bộ NN-PTNT Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. (Nghị định 90/2017 của Chính phủ |
Bài, ảnh: SƠN KHÊ