CHẾ TÀI NHỮNG LÃNG PHÍ VÔ HÌNH
Có những loại lãng phí dễ dàng tính thành tiền như đầu tư sai mục đích, thiếu hiệu quả, chi tiêu không theo kế hoạch… bằng ngân sách Nhà nước; tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều loại lãng phí khác dù tác hại rất lớn đến xã hội nhưng không tính cụ thể được và cho đến nay vẫn không có văn bản pháp quy nào chế tài các loại lãng phí vô hình đó.
Hàng năm ở các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, ngoài những cuộc họp liên quan đến chuyên môn, hầu như nơi nào cũng tổ chức họp phát động thi đua, bình bầu danh hiệu cá nhân và tập thể, đại hội công nhân viên chức, đại hội công đoàn, rồi sơ kết, tổng kết, mừng các ngày lễ lớn của ngành, sinh hoạt các đoàn thể… Phần lớn đều được tiến hành trong giờ hành chính, các cuộc họp được tổ chức gần như một thông lệ không thể bỏ qua, vì trên lý thuyết tất cả đều rất quan trọng vì có tác dụng cung cấp thông tin, giáo dục hay động viên tinh thần. Tiếc rằng hiệu quả thực tế lại khác xa so với lý thuyết, gây sự lãng phí rất lớn.
Qua quan sát tại nhiều cuộc họp, tôi thường thấy nhiều người tham dự không mấy mặn mà với phần lớn các cuộc họp ấy, nhiều người tranh thủ làm việc riêng, đọc sách, báo hay nói chuyện. Nếu chúng ta thử nhân số buổi họp nói trên với số lượng người tham dự sẽ thấy số thời gian mà xã hội phải tiêu tốn cho các buổi sinh hoạt đó lớn đến mức nào, và bằng thời gian làm việc của bao nhiêu người trong biên chế. Quy ra tiền lương phải chi trả cho số thời gian đó, thì quả thật không nhỏ. Còn nếu tính thêm giá trị mà người ta có thể làm ra, thay vì ngồi họp mà không mang lại hiệu quả thiết thực, thì thiệt hại trên còn lớn hơn nhiều. Đối với những người làm công tác quản lý thì số thời gian mất cho hội họp còn nhiều gấp bội và tất nhiên điều này cũng có tác hại, bởi lẽ nếu đi liên tục như vậy còn đâu thời gian cho việc tìm hiểu những thông tin bổ ích cho công tác, tiếp xúc với cơ sở, suy nghĩ những vấn đề tồn tại, hay tìm những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan.
Ngoài sự lãng phí trên, trong xã hội còn nhiều dạng lãng phí vô hình khác như lãng phí công sức, thời gian và thời cơ của người dân, của doanh nghiệp và cả của các cơ quan Nhà nước do cơ chế, thủ tục rườm rà, do những văn bản quy phạm chậm ban hành hay không phù hợp với thực tế, do quy hoạch treo… Những điều luật chống lãng phí đã có, nhưng bao giờ mới có quy định cụ thể về các biện pháp chế tài đối với những ai vi phạm, cũng như những hoạt động mang nặng tính hình thức gây lãng phí này?
Phúc Minh