Nỗi đau còn lại sau những vụ tự tử

Thứ Sáu, 05/04/2024, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bà Rịa liên tục phải cấp cứu, điều trị cho nhiều người tự tử. Đây là hiện tượng tiêu cực, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân họ mà còn tạo ra nhiều day dứt, hệ lụy cho người thân và xã hội.

Nhân viên y tế Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) đang điều trị tích cực cho một trường hợp tử tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ.
Nhân viên y tế Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) đang điều trị tích cực cho một trường hợp tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ.

Tự tử khi rơi vào bế tắc

Sau hơn một tuần chăm sóc chồng nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU), gương mặt bà N.T.H.L., (62 tuổi, ngụ huyện Châu Đức) tiều tụy, thiếu sức sống. Ngồi ngoài hành lang Khoa ICU, bà luôn miệng cầu cho chồng tai qua nạn khỏi.

Chồng bà L. năm nay 67 tuổi, không có việc làm ổn định, kinh tế gia đình khó khăn trong khi bản thân mắc nhiều bệnh, khiến ông chịu nhiều áp lực. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông tự tử. “Ông ấy đã có tuổi, hay than thở về bệnh tật và tài chính. Ông ấy dọa tự tử mấy lần, nhưng lần này làm thật, uống thuốc diệt cỏ để kết liễu cuộc đời”, bà L. bộc bạch.

Ông được người nhà đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp và tổn thương thần kinh, nhưng may mắn là huyết động vẫn còn ổn định. Người bệnh được súc rửa ruột, thở máy và chăm sóc đặc biệt. Nhờ đó, tình trạng sức khỏe của ông đã được cải thiện.

Cùng thời điểm với chồng bà L., Khoa ICU của Bệnh viện Bà Rịa cũng đang điều trị tích cực cho một bệnh nhân nam (48 tuổi, ngụ TP.Bà Rịa) trong tình trạng nguy kịch sau khi uống thuốc sát trùng để tự tử.

Mấy ngày trước khi xảy ra sự việc, người đàn ông này có mâu thuẫn với vợ vì chuyện gia đình. Cùng với uống rượu, ông uống khoảng 400-500ml thuốc sát trùng. Khi phát hiện ông mệt, khó thở, người nhà tức tốc đưa vào Bệnh viện Bà Rịa nhưng bệnh trở nặng rất nhanh dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Ông được nhân viên y tế của Khoa ICU nhanh chóng hồi sức tích cực, cho thở máy, dùng thuốc vận mạch liều cao. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, tiên lượng xấu bởi lượng chất độc ngấm vào cơ thể quá nhiều.

Khi phát hiện người thân tự tử bằng cách uống chất độc, người nhà hãy đưa bệnh nhân cùng chai thuốc hoặc nhãn hàng thuốc đã uống vào bệnh viện càng sớm càng tốt. Người nhà không được tự ý súc rửa ruột hoặc cho sử dụng thuốc thầy lang hay các biện pháp dân gian để tránh tình trạng người bệnh bị tổn thương nặng thêm.
Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa ICU - Bệnh viện Bà Rịa

 

Người bệnh bị tổn thương nặng

Theo bác sĩ Khoa ICU, các trường hợp tự tử đến cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa chủ yếu là uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, thuốc tẩy, thuốc tây. Nguyên nhân chính dẫn đến những ca tự tử xuất phát từ việc buồn chuyện gia đình, mâu thuẫn vợ chồng, nợ nần, người tâm thần không được quản lý chặt… Hành vi này là hiện tượng tiêu cực, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân mà còn gây ra nhiều day dứt, hệ lụy cho người thân và xã hội.

Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa ICU (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, khi vào cấp cứu tại khoa, các ca tự tử đều có những dấu hiệu rất nặng. Họ đã bị tổn thương thần kinh, có thể ngưng tim trước khi vào viện, tổn thương hô hấp, ngưng thở. Người bệnh sẽ được nhân viên y tế rửa ruột, cho thở máy, sử dụng thuốc và hồi sức tích cực. Đáng lo ngại nhất, ngoài những loại chất độc có thuốc giải, vẫn có loại chưa có thuốc giải nhưng vẫn được bán phổ biến trên thị trường. Khi uống thuốc này vào, tỷ lệ cứu sống người bệnh rất thấp.

Thời gian gần đây, Khoa ICU (Bệnh viện Bà Rịa) tiếp nhận, điều trị 3-4 ca tự tử/tuần. Có những thời điểm như ngày 20/3 vừa qua, khoa phải điều trị cùng lúc cho 3 ca, ở đối tượng trung niên và người già.

Theo chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân khi con người rơi vào bế tắc, muốn tự tử để giải thoát bản thân. Tuy việc này rất khó nhận biết, nhưng có thể dựa vào các dấu hiệu như người đó hạn chế giao tiếp với mọi người; lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá; tính tình thay đổi… để kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn hành vi tự tử.

Khi thấy người thân, bạn bè có những biểu hiện như: trầm cảm, buồn rầu, bất cần đời, hay cáu gắt, mệt mỏi, sức khỏe sa sút… cần chủ động trò chuyện, chia sẻ, lắng nghe và đồng cảm với những vấn đề họ đang vướng mắc. Người thân không nên phê phán, thay vào đó cần quan tâm họ nhiều hơn, từ đó khéo léo, đưa ra lời khuyên phù hợp để giúp họ từng bước giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.