Mất ngủ - Dấu hiệu, cách phòng ngừa và chữa trị

Thứ Sáu, 26/04/2024, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc sống, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng bởi nó giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Nếu vì một lý do nào đó mà mất ngủ dù chỉ một đêm thì vẫn có thể gây ra những biến đổi ngắn hạn cả về tâm, sinh lý còn nếu mất ngủ liên tục, bạn sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống.

Được coi là bị bệnh mất ngủ nếu liên tục nhiều đêm không ngủ được.
Được coi là bị bệnh mất ngủ nếu liên tục nhiều đêm không ngủ được.

Mất ngủ dù thoáng qua hay kéo dài cũng đều có thể gây ra những tác hại như tinh thần không tươi tỉnh, kém linh hoạt, cơ thể ủ rũ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung chú ý trong việc làm, học tập, dễ gây tai nạn khi lái xe, vận hành máy móc, phán đoán và xử lý chậm, dễ nhầm lẫn trong tính toán...

Dấu hiệu của mất ngủ là không buồn ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, nếu đã giật mình tỉnh giấc thì không ngủ lại được nữa, khi thức dậy vào sáng hôm sau không có cảm giác tỉnh táo và thường có những cơn ngủ gật, thậm chí ngủ chỉ vài giây kể cả lúc đang làm việc… Những dấu hiệu này lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần.

Mất ngủ do tâm lý, sinh lý và bệnh lý

Ở dạng tâm lý, người bị mất ngủ gặp phải những nghịch cảnh trong cuộc sống hàng ngày như làm ăn thua lỗ, nợ nần, gia đình bất hòa, người thân đột ngột qua đời, hoàn cảnh quá túng thiếu, thất tình, bực tức, giận dữ vì một chuyện nào đó…

Ngược lại nếu gặp chuyện quá vui cũng có thể gây mất ngủ, chẳng hạn như mua được nhà, trúng số, tìm được tình yêu, thi đậu…, nhưng mất ngủ trong những trường hợp này thường không kéo dài vì khi tâm lý ổn định, sự mất ngủ cũng dần chấm dứt.

Ở dạng sinh lý, mất ngủ gây ra bởi thay đổi giờ giấc làm việc, sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, ăn quá no trước khi đi ngủ, thay đổi chỗ ngủ, phòng ngủ, giường ngủ không quen thuộc, mội trường ngủ có nhiều ánh sáng, tiếng ồn, mùi hôi, nhiệt độ phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh, độ ẩm cao, có ruồi, muỗi hoặc giường ngủ có kiến, rệp, cơ thể ngứa ngáy vì không có điều kiện để tắm, uống quá nhiều bia, uống nhiều nước, ăn nhiều canh trong bữa tối khiến phải đi tiểu nhiều lần…

Mất ngủ sinh lý cũng có thể chấm dứt mà không cần phải dùng thuốc nếu người bị mất ngủ xác định được nguyên nhân và cải thiện những nguyên nhân ấy.

Ở dạng bệnh lý, người mất ngủ có thể do đau răng, đau bao tử, nhức đầu, đau do ung thư, ngứa ngày vì bị ghẻ, lác, ho nhiều do viêm phế quản, viêm phổi, u xơ tiền liệt tuyến khiến người bệnh phải đi tiểu nhiều lần, bị dị ứng dẫn đến hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, bị các bệnh về tuyến giáp, bị viêm khớp, bị trào ngược dạ dày thực quản, thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ đến tuổi mãn kinh…

Bên cạnh đó, mất ngủ còn do một số bệnh lý tâm thần như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau chấn thương, nghiện rượu và các chất ma tuý, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, mộng du, thường xuyên gặp ác mộng…

Điều trị

Trước hết, người bị mất ngủ cần xác định nguyên nhân dẫn đến mất ngủ là do tâm lý, sinh lý hay bệnh lý. Khi đã xác định, trong một số trường hợp người bệnh hoàn toàn có thể tự điều chỉnh mà không cần phải dùng thuốc.

Theo các chuyên gia sinh lý cơ thể người, nhu cầu ngủ được chia ra như sau: Người trưởng thành từ 18 đến 65 tuổi cần khoảng 7 đến 9 giờ ngủ mỗi đêm. Thanh thiếu niên từ 14 đến 17 tuổi cần từ 8 đến 10 giờ ngủ mỗi đêm. Trẻ từ 6 đến 13 tuổi cần ngủ từ 9 đến 11 tiếng mỗi đêm. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi cần từ 10 đến 13 giờ ngủ mỗi đêm. Trẻ từ 1 đến 2 tuổi cần ngủ từ 11 đến 14 tiếng mỗi đêm. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi thì cần ngủ từ 14 đến 17 tiếng mỗi ngày. Riêng với những người trên 65 tuổi, nhu cầu ngủ mỗi ngày chỉ còn chừng 5 hoặc 7 tiếng.

Nếu mất ngủ do bệnh lý, cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám, làm các xét nghiệm để có hướng điều trị thích hợp. Không tự ý uống thuốc ngủ, thuốc an thần.

Nếu đã bị mất ngủ kéo dài, nên thận trọng khi làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ như lái xe, vận hành máy móc, thậm chí với những công việc đơn giản như may vá, tính toán cũng có thể dẫn đến sai sót.

Không cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ bằng những loại thức uống có chứa cafein, vitamin C liều cao (nước tăng lực) vì nó chỉ giúp cho bạn sự tỉnh táo nhất thời rồi sau đó, bệnh mất ngủ sẽ càng trầm trọng hơn.

Bs CK1 Tâm thần LÊ DUY

;
.