Có còn cần… đàn ông nữa không?

Thứ Sáu, 25/03/2022, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Thật lạ lùng cho thời buổi này, vì rằng, hiện nay đã xuất hiện một xu thế kỳ quặt ở phụ nữ trẻ khi họ hùng hồn tuyên bố, đại loại, không cần đến đàn ông thì họ vẫn sống “ngon lành cành đào”, thậm chí họ còn có thể… sinh con nữa đấy.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Nghe choáng chưa?

Tất nhiên, cực choáng đấy chứ. Vậy, một khi họ tự lo cho bản thân họ, thì đàn ông có thể sống một mình, không cần phụ nữ ư? Còn lâu!

Xưa nay, bất kỳ thời đại nào, từ Đông sang Tây thì trong tâm thức đàn ông, vai trò người phụ nữ luôn đứng ở vị trí đầu tiên. Chính họ đã là nơi gìn giữ, cưu mang “báu vật” của sự sống tiếp nối đời đời. Xem các tác phẩm tượng của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị, nhiều người giật mình khi nhìn thấy lúc họ mang nặng đẻ đau, không khác gì đang sở hữu hình ảnh trái đất nhỏ nhoi ngay trong bụng.

Có lẽ không có hình ảnh nào cao quý hơn, hướng thiện hơn lúc họ đang cưu mang mầm sống. Đành rằng, để có thể hoàn thiện chức năng thiêng liêng ấy, họ cần có sự đóng góp của người đàn ông. Với suy nghĩ ấy, tôi đã khái quát: “Mỗi một ngày cây đời thêm xanh biếc/ Bà mẹ chỉn chu, quán xuyến cửa nhà/ Con cái giỏi giang, hiền hậu, nết na/ Từng ngày đi qua trưởng thành, khôn lớn/ Có các anh mới chan hòa mái ấm/Dù góp công nhưng lặng lẽ phía sau”.

Thế nhưng, bây giờ, người phụ nữ lại tuyên bố không cần đàn ông nữa?

Tại sao?

Câu trả lời dành cho đàn ông, chứ còn ai vào đây nữa. Vì trong cuộc song hành ấy, họ lại không được đặt ngang hàng mà luôn bị “lép vế”: “Đau đớn thay phận đàn bà” không phải do “đi biển mồ côi một mình” mà chính vì quan niệm lạc hậu từ ngàn xưa vẫn còn rơi rớt lại. Chẳng hạn, ngày nay nhân loại đã văn minh, tiến bộ nhiều lắm, tuy nhiên vẫn còn đó tiếng kêu thương gần như tuyệt vọng của nhiều số phận phụ nữ bất hạnh. Vẫn còn đâu đó những cuộc bạo hành khốc liệt mà họ phải cam chịu; vẫn hiện diện quan niệm nữ giới chỉ là phái yếu nên không thể bình đẳng cùng đàn ông trong nhiều quyền lợi khác...

Đã thế, trong mắt đàn ông, họ chỉ là gì nhỉ? Tôi đã nhìn ra rằng: “Là quan tâm đến chén, đũa, nồi, niêu/ Bếp núc mỗi ngày, dẫn con đi học/ Thức giấc nửa khuya dỗ con chợt khóc/ Khuya khoắt chờ chồng, thao thức đợi canh/ Có tầm nhìn xa - tính toán rất nhanh / Nào đếm củ hành, đo lọ nước mắm”. Rõ ràng, phụ nữ không “đáng giá” chứ gì? Thì, nay, bù lại họ cũng không cần đến đàn ông nữa.

Trước những cảnh ngộ oái oăm tương tự đang diễn ra, không ít phụ nữ không thèm lấy chồng. Bằng sự can thiệp, trợ giúp của khoa học kỹ thuật, họ vẫn có thể sinh con mà không phải suốt đời hầu hạ một gã đàn ông vô tích sự. Thiết nghĩ, đã đến lúc đàn ông phải thay đổi nhận thức về vai trò của mình. Vai trò ấy không còn có giá trị tuyệt đối như trước bởi người phụ nữ thế kỷ này đã khác trước nhiều lắm. Họ đã được trang bị nhiều tri thức và nhất là cộng đồng đã quan tâm đến họ nhiều hơn, chu đáo hơn.

Lâu nay, tôi không tán thành quan niệm “mẹ đơn thân”, bởi nghĩ cho cùng đó là nỗi bất hạnh mà người phụ nữ phải gánh lấy. Nhưng điều này hoàn toàn không phải do số phận của họ, mà chính từ… đàn ông đấy thôi. Trên cộng đồng mạng, nhiều phụ nữ đã trải lòng tâm sự, không việc gì họ phải vừa nuôi con lại vừa hầu hạ ông chồng, cực nhọc như Ôsin. Nhưng nếu cần, Ôsin ấy lại trở thành cái máy đẻ mà không nhận lại được sự quan tâm, san sớt gánh nặng trong mưu sinh hằng ngày.

Nói thì nói thế, hẳn ta biết rằng, tự trong sâu thẳm của tiếng gọi tâm linh bao giờ người phụ nữ cũng cần sự yêu thương, chia ngọt sẻ bùi cùng “người của mình”. Họ cần có người đàn ông bên cạnh để có thể tựa vai khi mệt mỏi, vấp ngã trên đường đời xuôi ngược. Sự cảm thông ấy không chỉ diễn ra trong ngày quy định dành cho phụ nữ mà phải là việc làm của mỗi ngày của nam giới. Nếu không, không xa thì gần, đừng kinh ngạc khi phụ nữ cho đàn ông “ra rìa”. Họ không cần đến nữa, bởi lẽ họ hoàn toàn có thể thực hiện “quyền lực đẻ”, xin quý ngài hãy ghi lòng tạc dạ.

LÊ MINH QUỐC

;
.