Ăn mặn nguy cơ bị bệnh tim mạch

Thứ Hai, 22/03/2021, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội nghị “Truyền thông về bệnh không lây nghiễm, giảm ăn muối và COVID-19” do Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Y tế tổ chức trong tháng 3, các chuyên gia khuyến cáo giảm ăn muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột qụy và bệnh không lây nhiễm trong đại dịch COVID-19. 

Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật đặt stent động mạch vành bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN
Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật đặt stent động mạch vành bệnh nhân tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN

THỪA MUỐI GÂY TĂNG HUYẾT ÁP, TIM MẠCH

Tại hội nghị, Ts.Bs. Từ Phúc Hậu, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh thông tin, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các bệnh tim mạch đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm tới 30% tổng số tử vong toàn cầu, chủ yếu là tử vong do các bệnh mạch máu não và bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Tại Việt Nam, ăn nhiều muối là một nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Số liệu cho thấy, hiện nay ở nước ta, cứ 5 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Cứ trong 3 trường hợp tử vong, có một trường hợp là do các bệnh tim mạch. Riêng trong năm 2016, ước tính toàn quốc có tới gần 82.000 trường hợp tử vong do tai biến mạch máu não và gần 68.000 trường hợp tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong. Hiện nay, đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình 1 người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối trong 1 ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi đó, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn rất hạn chế. “Vì vậy, mỗi người dân hãy giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, tích cực vận động thể lực..”-Ts.Bs. Từ Phúc Hậu khuyến cáo.

Chuyên gia Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh thông tin thêm, những bệnh nhân có bệnh không lây nhiễm hoặc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đau tim hoặc đột qụy, các bệnh hô hấp mãn tính, ung thư dễ mắc COVID-19. Số liệu cũng cho thấy, trong đại dịch COVID-19 đang xảy ra, đa số những người tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác. Cụ thể, thống kê cho thấy, 20% người nhập viện do COVID-19 mắc bệnh tiểu đường và 26% người chết do COVID-19 cũng mắc bệnh lý nền này. Tương tự, bệnh nhân tử vong do COVID-19 có bệnh lý nền tăng huyết áp và các bệnh tim mạch là 10%. Ngoài ra, có nghiên cứu cho thấy người bị bệnh thận mạn tính có khả năng phát sinh các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 cao gấp 3 lần so với người khác.

Các biện pháp để giảm ăn muối
Giảm ăn muối là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch như tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Vì vậy để giảm một cách có hiệu quả lượng muối ăn vào hàng ngày, mỗi gia đình hãy thực hiện: Tra bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn. Tra bớt muối: Giảm 1/2 lượng muối và các gia vị chứa nhiều muối khi nấu ăn. Hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế, tẩm ướp và nấu. Sử dụng các gia vị khác (tiêu, ớt, chanh…) để làm tăng cảm nhận vị giác thay cho vị mặn.  

 

ĂN NHẠT ĐỂ PHÒNG, CHỐNG BỆNH TẬT

Bs.Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để phòng, chống các bệnh tim mạch hiệu quả, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng và các biện pháp giảm tiêu thụ muối. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để giảm mức tiêu thụ muối, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Theo đó, bên cạnh công tác quản lý điều trị các bệnh mãn tính về tim mạch, ngành y tế tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn dinh dưỡng cho người dân mắc các bệnh này, để hạn chế, kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, đặc biệt là nguy cơ do ăn thừa muối. 

Ths.Bs. Phạm Thị Minh Hằng, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh thông tin, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối trong 1 ngày để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. “Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp. Nồng độ muối trong dịch cơ thể được giữ ở mức tương đối ổn định, vì thế khi ăn nhiều muối cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp. Một cơ chế gây tăng huyết áp ở người ăn nhiều muối nữa là muối làm tăng độ nhạy cảm của hệ thống tim-mạch và thận đối với Adrenaline-một chất gây tăng huyết áp. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới mỗi người chỉ nên ăn không quá 5g muối mỗi ngày (5g/người/ngày). Đối với trẻ em nhu cầu còn ít hơn”-Ths. Bs. Phạm Thị Minh Hằng nhấn mạnh.

AN NHIÊN

 
;
.