Tổ chức học online sao cho hiệu quả?

Chủ Nhật, 21/02/2021, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

Để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từ sau Tết Tân Sửu, các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy và học trực tuyến (online). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hình thức học này đạt hiệu quả, cần có giải pháp tổ chức lớp linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng HS. 

Em Đặng Phương Linh, HS lớp 1.6 Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) làm bài tập trực tuyến do GV chủ nhiệm lớp giao.
Em Đặng Phương Linh, HS lớp 1.6 Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) làm bài tập trực tuyến do GV chủ nhiệm lớp giao.

“DỞ KHÓC, DỞ CƯỜI” VỚI LỚP HỌC ONLINE

Tiết học Tiếng Việt online bắt đầu lúc 17 giờ ngày 19/2, nhưng phải mất 45 phút loay hoay với chiếc máy vi tính rồi lại quay sang chiếc điện thoại, anh H., ba của L.Đ., HS lớp 1 một trường TH trên địa bàn TP. Vũng Tàu mới có thể giúp con truy cập để tham gia vào lớp học online. Lớp của L.Đ. có gần 40 HS nhưng chỉ có 23 HS học trực tuyến. Vậy nhưng, lớp học cũng rất ồn ào, bởi nhiều HS không tắt micro, khiến âm thanh xung quanh đều vọng vào. L.Đ. nhăn nhó gỡ tai nghe đặt xuống bàn học: “Con không nghe được cô nói gì hết! Con thấy mệt!”. 

Sau buổi học, anh H. bày tỏ: “Tôi cho rằng việc học online với HS tiểu học và nhất là với HS lớp 1 có nhiều khó khăn, bởi các con chưa thể tự đăng nhập, điều khiển máy vi tính, điện thoại thông minh để học mà phải có sự hỗ trợ, giám sát của phụ huynh. Trong khi phần lớn phụ huynh vẫn phải đi làm, nếu giờ học không phù hợp, các con sẽ khó có thể tham gia học. Bên cạnh đó, nếu GV không chủ động đăng nhập sớm để điểm danh, nhắc nhở, đốc thúc thì việc học của các con sẽ không hiệu quả”.

Tương tự, chị N.T.H., phụ huynh HS lớp 6 một trường THCS cũng cho biết, dù việc học online của con mới bắt đầu vài ngày nhưng vợ chồng chị cảm thấy khá mệt mỏi vì vừa đi làm vừa theo dõi tình hình học tập của con. Do giờ học của con vào giờ hành chính, chị buộc phải mở máy để con tự học rồi nhờ hàng xóm canh chừng và thường xuyên gọi điện để theo dõi tình hình học tập của con. “Có tiết đang học thì thầy đổi mật khẩu và tài khoản đăng nhập khiến con không biết làm thế nào. Con phải gọi điện cho mẹ và nhờ cô hàng xóm sang giúp. Khi cháu đăng nhập lại được thì tiết học chỉ còn… 7 phút”. 

Bên cạnh đó, một số phụ huynh chia sẻ về việc khó quản lý, giám sát khiến con vừa học vừa sử dụng máy tính, điện thoại vào các mục đích khác như truy cập mạng xã hội, chơi game, nhắn tin với bạn bè… mà xao nhãng việc học. “Đang đi làm tôi cũng phải tranh thủ về nhà xem con học online thế nào. Vừa tới cửa nhà đã nghe bọn nhỏ ngồi cười hí hí, “chát chít” với nhau”, một phụ huynh tâm sự. 

Ngoài ra, những HS có hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh, mạng Internet, máy vi tính… nên không thể học online. Ông Lê Thanh Kính, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho hay, tính đến thời điểm này, huyện Châu Đức có khoảng 13.626 HS bậc TH; 9.803 HS bậc THCS không đủ điều kiện học online. Ngoài ra, những HS khối 1, 2 do độ tuổi còn nhỏ, chưa đọc thông viết thạo nên việc tham gia học online còn gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả, dù các cơ sở giáo dục TH đã xây dựng bài giảng khá chi tiết, dễ hiểu. 

Đại diện lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Long Điền thì cho rằng, khó khăn trong giảng dạy online là một số em chưa có ý thức tự giác trong học tập dẫn tới việc học chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một bộ phận phụ huynh HS chưa nhiệt tình phối hợp với nhà trường để triển khai dạy học online. Chưa kể, nhiều GV chưa được bồi dưỡng kỹ năng soạn bài, giảng bài online, còn lúng túng trong quản lý lớp học online dẫn tới hiệu quả giảng dạy chưa cao. 

Em Nguyễn Minh Thành, HS lớp 3.8, Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) trong giờ học trực tuyến.
Em Nguyễn Minh Thành, HS lớp 3.8, Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) trong giờ học trực tuyến.

CẦN CÓ HÌNH THỨC PHÙ HỢP

Theo ông Lê Thanh Kính, trước những khó khăn trên, Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức đã đề xuất cho những HS không có điều kiện học online được đến trường sử dụng phòng máy và các thiết bị của nhà trường để học online nhằm bảo đảm chương trình theo quy định. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện cùng đề xuất cho 6.000 HS khối 1, 2 trên địa bàn huyện được đến trường học tập trực tiếp trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng quan điểm, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cũng cho rằng HS khối lớp 1, 2 có thể đến trường học trực tiếp theo hình thức giãn cách, có thể chia đôi sĩ số HS mỗi lớp và cho mỗi nhóm học 1 buổi. Đối với HS các khối lớp khác, nhà trường sẽ hỗ trợ học tập từ xa thông qua các hình thức như: Ghi âm bài giảng Power point theo từng slide, xuất bài giảng Power point thành video, đưa video lên Youtube rồi gửi link cho HS, phụ huynh; đồng thời tạo bài trắc nghiệm bằng Google forms, giao bài tập cho học sinh trên VnEdu. 

Theo bà Dương Yến Phượng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Long Điền, trong thời gian HS dừng đến trường, ngành GD-ĐT địa phương đã yêu cầu các cơ sở giáo dục MN xây dựng video hướng dẫn phụ huynh các hoạt động giáo dục theo lĩnh vực phát triển giáo dục, vệ sinh, dinh dưỡng, kỹ năng… theo từng độ tuổi. GV phải thường xuyên liên hệ với gia đình, phối hợp, hướng dẫn phụ huynh bố trí thời gian hợp lý để cùng chơi, cùng học, tạo hứng thú cho trẻ xem video bài giảng, đảm bảo sức khỏe và không gây áp lực cho trẻ. Đối với bậc TH, THCS, GV chủ nhiệm lập nhóm Zalo và kết nối với phụ huynh HS của lớp, kịp thời cung cấp các thông tin về lịch học, môn học, đề cương ôn tập, bài tập thực hành… GV tiếp tục tuyên truyền cho phụ huynh về học online và khích lệ phụ huynh đảm bảo các yếu tố cần thiết đáp ứng việc học online cho con em mình. Đối với các em không có điều kiện học online, trước mắt, GV soạn hướng dẫn học và phiếu bài tập, thông báo thời gian giao nhận phiếu bài tập và thời gian hoàn thành nội dung học tập cho các em làm tại nhà.

Ngành GD-ĐT tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để không HS nào bị bỏ lại phía sau. Sở GD-ĐT đã gấp rút phân loại các nhóm đối tượng HS gặp khó khăn trong học trực tuyến để kịp thời tìm giải pháp hỗ trợ các em. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tính đến thời điểm này, chỉ có 82/37.572 HS (chiếm 0,22%) đang theo học tại các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT không có thiết bị học online. Ở khối Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố, thống kê trước Tết cho thấy toàn tỉnh có khoảng 20% HS bậc TH, 14% HS bậc THCS không có điều kiện học online. Ngoài ra, một số HS không thể học online, phần nhiều là lớp 1, 2, nhất là HS lớp 1 chưa đọc, viết thông thạo. Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép các trường cho HS khó khăn khi học online được đến trường để học tập, đảm bảo các điều kiện và thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
(Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT)

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để triển khai dạy học trực tuyến có hiệu quả, Sở GD-ĐT yêu cầu hiệu trưởng nhà trường có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc dạy học online của GV, có kế hoạch dự giờ cụ thể. Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng thời khóa biểu hợp lý để tạo thuận lợi cho GV, HS và cả phụ huynh trong quá trình dạy, học online. GV phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh HS trong quá trình dạy học, thường xuyên liên hệ với gia đình để tổ chức, hướng dẫn, giám sát việc học online của các em. “Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ GV thì sự phối hợp của phụ huynh là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả của việc giảng dạy online. Phụ huynh cần khắc phục khó khăn để đồng hành với ngành GD-ĐT vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Trần Thị Ngọc Châu bày tỏ. 

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

;
.