Chuyển thiết bị y tế chưa sử dụng về các bệnh viện

Thứ Ba, 10/11/2020, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là nội dung bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế vừa thông tin về việc xử lý tình trạng tồn kho 100 thiết bị y tế theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh. Các thiết bị này được các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đấu thầu mua sắm từ năm 2014, nhưng do không có người vận hành, sử dụng nên đã để trong tình trạng “đắp chiếu” mấy năm qua.

Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh có 8 thiết bị trị giá gần 3,4 tỷ đồng lưu kho nhiều năm chưa sử dụng đến. Trong ảnh: Kỹ thuật viên châm cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh.
Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh có 8 thiết bị trị giá gần 3,4 tỷ đồng lưu kho nhiều năm chưa sử dụng đến. Trong ảnh: Kỹ thuật viên châm cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến thời điểm này, trong số 100 thiết bị y tế nói trên, các đơn vị đã đưa vào sử dụng 31 thiết bị. 69 thiết bị còn lại, Sở Y tế đã có kế hoạch điều chuyển và bố trí sử dụng phù hợp.

Cụ thể, các bộ dụng cụ phẫu thuật (dạ dày, phụ khoa, trung phẫu, chấn thương xương), hệ thống nội soi dạ dày ống mềm video của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Long Điền và Bệnh viện Y học cổ truyền, tủ âm 30 độ của TTYT TP.Bà Rịa sẽ được điều chuyển về Bệnh viện Bà Rịa. Một số thiết bị như: bàn mổ vạn năng thủy lực, dao mổ điện, đèn mổ, máy gây mê, máy hút dịch phẫu thuật của 2 đơn vị y tế nói trên sẽ tiếp tục để lại đơn vị và triển khai theo hướng đưa bác sĩ về cơ sở khi có nhu cầu phẫu thuật...

Trước đó, từ ngày 23/10/2019 đến 13/3/2020, Thanh tra tỉnh đã tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế (TBYT), vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 9/2019. Kết luận của Thanh tra tỉnh nêu rõ, tại thời điểm kiểm tra có 100 chủng loại TBYT với nguyên giá hơn 16,7 tỷ đồng vẫn còn lưu kho, chưa sử dụng hơn 3 năm. Trong đó, các TTYT: Long Điền, Châu Đức, Bà Rịa, Vũng Tàu có số lượng thiết bị lưu kho khá lớn.

Nguyên nhân của tình trạng TBYT “đắp chiếu” nhiều năm là do thiếu nhân sự để vận hành. Theo lý giải của các đơn vị, trên cơ sở nhu cầu mua sắm trang thiết bị của các đơn vị, Sở Y tế tổng hợp trình cấp có thẩm quyền cho phép phê duyệt số lượng, chủng loại và giá trị để mua sắm. Tuy nhiên, đến thời điểm cung cấp trang bị các TBYT cho các đơn vị, một số đơn vị thiếu y bác sĩ để vận hành (nghỉ hưu, chuyển công tác, chưa đủ chuyên môn, năng lực để vận hành).

Chẳng hạn, tại TTYT huyện Long Điền, cơ sở vật chất trang thiết bị phòng mổ được đầu tư từ năm 2014 theo gói đầu tư công trình cơ sở mới của trung tâm có tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, nhưng chưa từng được sử dụng. Nguyên nhân là do khi xây dựng cơ sở mới, trung tâm đã có kế hoạch phát triển các kỹ thuật tương đương với bệnh viện hạng III, trong đó có nhu cầu đầu tư phòng mổ để thực hiện một số phẫu thuật chấn thương, dạ dày, phụ khoa, sản phụ khoa. Tuy nhiên, lĩnh vực phẫu thuật phức tạp về kỹ thuật, đòi hỏi phải có bác sĩ chuyên khoa nhưng Trung tâm chưa có nên chưa thể triển khai, dẫn đến trang thiết bị “đắp chiếu”.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Thanh tra tỉnh, khi xảy ra tình trạng thừa thiết bị ở một số đơn vị, từ năm 2017, Sở Y tế đã phát hiện và có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý, điều chuyển TBYT từ đơn vị này sang đơn vị khác. Tuy nhiên, do vướng mắc trong quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng lĩnh vực y tế nên Sở chưa thể xử lý hết.

Để xử lý triệt để tình trạng tồn kho TBYT, Thanh tra tỉnh đề nghị Sở Y tế rà soát các TBYT chưa sử dụng tại các đơn vị y tế để bảo trì, phân loại, trên cơ sở định mức được quy định tại Quyết định 618/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh để có kế hoạch điều chuyển, sử dụng hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.