Mở đường đến tương lai cho nữ sinh dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 09/10/2020, 21:14 [GMT+7]
In bài này
.

“Mở đường đến tương lai” là dự án được Quỹ Học bổng Vừ A Dính phối hợp với Quỹ tài trợ Vinacapital thực hiện. 10 năm qua, dự án đã trao cơ hội đi học cho hàng trăm nữ sinh dân tộc thiểu số trong cả nước. Trong 3 ngày từ 7 tới 9/10, tại tỉnh BR-VT, chương trình “Ngày hội ước mơ năm 2020” - hoạt động nổi bật trong khuôn khổ dự án - đã diễn ra để kỷ niệm dấu mốc tốt nghiệp THPT của các nữ sinh, giúp các em khởi đầu trải nghiệm với nền giáo dục bậc cao.

Ông RAD Kivette, Giám đốc Điều hành VinaCapital Foundation  trao phần thưởng cho 2 nữ sinh đạt danh hiệu HS giỏi cấp tỉnh.
Ông RAD Kivette, Giám đốc Điều hành VinaCapital Foundation trao phần thưởng cho 2 nữ sinh đạt danh hiệu HS giỏi cấp tỉnh.

MỞ ĐƯỜNG ĐẾN TƯƠNG LAI...

“Mở đường đến tương lai” là dự án hỗ trợ một phần về kinh tế nhằm nâng bước các em nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn phấn đấu vươn lên trong học tập, giúp các em có cơ hội nâng cao tri thức, kỹ năng để xây dựng tương lại và cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Từ năm 2010 đến nay, dự án đã trao tặng học bổng toàn phần và đào tạo kỹ năng cho 100 nữ sinh dân tộc thiểu số trong cả nước, giúp các em phát triển bản thân, định hướng tương lai và giữ gìn, bảo tồn bản sắc dân tộc mình. Ở giai đoạn 2 (từ năm 2017 đến 2024), 50 nữ sinh dân tộc thiểu số đã nhận được học bổng toàn phần 7 năm (từ khi học THPT đến khi học xong cao đẳng, đại học), trị giá 10.000 USD. Học bổng của dự án được tài trợ bởi Tổng Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, Tập đoàn Repsol Việt Nam và Tập đoàn VinaCapital.

Nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của dự án, Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, Chủ tịch Vinacapital Foundation bày tỏ: “Tôi tin rằng đầu tư vào giáo dục là một trong những hoạt động đầu tư tốt nhất, đóng góp mạnh mẽ và lâu dài vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đầu tư vào việc học tập kiến thức và phát triển kỹ năng của các em nữ sinh dân tộc thiểu số, với tôi, mang nhiều ý nghĩa nhân văn hơn vì không chỉ trao cho các em thêm nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội để trở thành những phụ nữ thông minh, độc lập, có khả năng tự mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mình và gia đình mà còn có thể góp phần thay đổi và phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua các “hạt nhân” đầy năng lượng tích cực này.

...CON ĐƯỜNG SÁNG CHO TƯƠNG LAI

Từ năm 2010 đến nay, “Mở đường đến tương lai” đã mở ra con đường tươi sáng cho hàng trăm nữ sinh dân tộc thiểu số trong cuộc hành trình tới tương lai.

Theo ông RAD Kivette, Giám đốc Điều hành The VinaCapital Foundation, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 50% nữ sinh dân tộc thiểu số chưa hoàn thành chương trình chương trình THPT; dưới 3% HS dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình giáo dục bậc cao. Trong khi đó, 50 nữ sinh nhận học bổng của dự án ở giai đoạn 1 (từ 2010 tới 2017) đã có tới 98% đã hoàn thành chương trình ĐH, CĐ, 80% quay lại đóng góp cho sự phát triển của quê hương, bản làng. Và đến nay, khi giai đoạn 2 mới đi được một nửa chặng đường, toàn bộ các em nữ sinh được nhận học bổng đều đã tốt nghiệp THPT Quốc gia. Trong đó có 46 em đỗ đại học, cao đẳng, tham dự chương trình dự bị đại học và đào tạo nghề. “Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) khẳng định, mỗi người có thể hoàn thành THPT thì thu nhập cho họ sẽ tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, mỗi năm, giáo dục bậc cao cũng giúp tăng thêm 10% thu nhập cho mỗi cá nhân. Như vậy, dự án đã và đang không chỉ thay đổi cuộc đời, tương lai của các em mà còn góp phần thay đổi diện mạo kinh tế của Việt Nam”, ông RAD Kivette nhấn mạnh.

Tại Gala “Ngày hội ước mơ năm 2020” được tổ chức tại TP. Vũng Tàu vào tối 8/10, chúng tôi có dịp lắng nghe những chia sẻ của em Tô Thị Như Ý, một trong những nữ sinh được nhận học bổng. Như Ý là người dân tộc Khơ me, sinh sống tại tỉnh Sóc Trăng. Do cuộc sống khốn khó nên từ khi Như Ý mới 5 tuổi, cha mẹ đã gửi hai chị em em lại cho người thân nuôi dưỡng để lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê, làm mướn trang trải cuộc sống. “Bản thân em luôn nhắc nhở mình phải cố gắng học tập để vươn lên khỏi đói nghèo nhưng hoàn cảnh gia đình em là một rào cản quá lớn. Được đi học phổ thông với em đã là điều quá may mắn. Việc được học lên bậc học cao hơn một ước mơ quá xa vời”, Như Ý thổ lộ. Niềm vui như vỡ òa khi cô bé được nhận học bổng của dự án. Ước mơ được chắp cánh đã tiếp thêm sức mạnh cho Như Ý vượt qua những khó khăn trước mắt. Em đạt danh hiệu HS giỏi trong suốt 3 năm liền với điểm bình quân bậc THPT là 9,1 điểm. Em từng là HS giỏi hạng 1 toàn khối, đạt giải Nhì HS giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Hiện nay, em là tân sinh viên khoa Ngôn ngữ Trung của ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). “Sau khi tốt nghiệp, em mong muốn được quay về cống hiến ngay cho chính mảnh đất quê hương mình. Em cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động của CLB Nữ sinh mở đường đến tương lai mang tên “Hoa bản làng” để đền đáp lại những điều tốt đẹp dự án đã mang đến cho em và giúp đỡ cho những em nữ sinh dân tộc thiểu số như em có cơ hội tới trường”, Như Ý nói.

Là nữ sinh đầu tiên và duy nhất của tỉnh BR-VT được nhận học bổng của dự án cho đến thời điểm này, em Đào Thị Phương Thi, cựu HS Trường THPT Dân tộc Nội trú (huyện Châu Đức) cho hay: “Dự án đã hỗ trợ cho chúng em cả về vật chất và tinh thần, giúp chúng em vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để vững bước trên con đường học tập. Dự án cũng giúp những nữ sinh dân tộc thiểu số như em cảm nhận được sâu sắc hơn sự quan tâm của xã hội, để chúng em ý thức được vai trò của mình trong cộng đồng dân tộc thiểu số”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trao máy tính và học bổng cho các nữ sinh.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trao máy tính và học bổng cho các nữ sinh.

KHÁNH CHI

;
.