VI KHUẨN LAO PHÁ THỦNG ĐỘNG MẠCH

Người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay

Thứ Sáu, 09/10/2020, 17:09 [GMT+7]
In bài này
.

Vi khuẩn lao phá thủng động mạch chủ bụng (động mạch lớn nhất trong cơ  thể đưa máu từ tim đi nuôi phần thân dưới) khiến 2 người bị chảy máu trong ổ bụng và một trường hợp vỡ vào ruột non gây xuất huyết trong đường tiêu hóa.

Phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh bị thủng động mạch chủ do lao.
Phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh bị thủng động mạch chủ do lao.

Đây là 3 trường hợp lao mạch máu, dạng lao hiếm gặp được tiếp nhận cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân trong nửa đầu năm 2020, trong bối cảnh Việt Nam hiện xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao và xếp thứ 13 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.

Các bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Khác với bệnh lao phổi (chiếm 80-85% các trường hợp lao), người bị lao mạch máu cần được phát hiện và điều trị theo phác đồ lao ngoài phổi ngay sau phẫu thuật. Nếu không, các tổn thương lao sẽ tiếp tục tiến triển, tăng nguy cơ nhiễm trùng mảnh ghép, tiếp tục viêm thủng mạch máu, diễn tiến đột tử do mất máu.

Phát hiện thủng động mạch chủ sau nhiều ngày đau dữ dội vùng quanh rốn

Bệnh nhân N.V.C (50 tuổi, Trà Vinh) được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng quanh rốn và hông lưng. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện một khối gồ lên cạnh rốn, đập theo nhịp tim, ấn đau. Đáng lưu ý, qua quá trình hỏi bệnh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân từng điều trị lao phổi 3 năm trước.

Kết quả siêu âm và CT đa lớp cắt vùng bụng phát hiện có vết rách thành trái động mạch chủ bụng, đoạn dưới thận, đường kính 9mm khiến máu thoát ra, tạo thành túi phình, có khối máu tụ to bằng trái banh tennis bao quanh túi phình và động mạch, dọa vỡ. Bằng kinh nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ đây không chỉ là một ca phình động mạch chủ thông thường mà có thể là một trường hợp thủng động mạch do lao. Để ngăn ngừa vỡ túi phình, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành phẫu thuật cấp cứu, tiếp cận lỗ thủng, loại bỏ thành mạch bị viêm và thay bằng ống ghép nhân tạo. Kết quả giải phẫu bệnh khẳng định chẩn đoán của các bác sĩ trước phẫu thuật khi phát hiện trực khuẩn lao. Sau 7 ngày hậu phẫu, bệnh nhân được điều trị tiếp tục với phác đồ lao ngoài phổi.

Trường hợp thứ 2 được phát hiện cũng trong thời điểm 6 tháng đầu năm 2020 là người bệnh V.T.L (43 tuổi, Bến Tre). Bệnh nhân nhập viện cũng với các triệu chứng tương tự: đau nhiều vùng quanh rốn và có tiền sử điều trị lao phổi, lao hạch 6 tháng trước. Người bệnh có thể trạng gầy yếu, suy kiệt. Khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ sờ thấy khối gồ lên cạnh rốn, đập theo nhịp tim. Kết quả siêu âm và MSCT bụng ghi nhận động mạch chủ đoạn dưới động mạch thận có túi phình kích thước lớn hơn quả chanh, có huyết khối xung quanh. Động mạch bị thủng chủ khiến máu chảy rỉ rả tạo khối máu tụ khu trú lâu ngày, tạo xơ hoá. Chính nhờ khối xơ này vô tình kìm hãm máu đổ nhiều vào ổ bụng, tránh cho người bệnh nguy hiểm tính mạng do mất máu.

Sau 3 giờ phẫu thuật, nhóm bác sĩ phẫu thuật đã gỡ dính, bóc tách, lấy trọn khối hạch viêm cạnh động mạch chủ, lọc bỏ vách túi phình bị tổn thương do lao. Một ống ghép Dacron thẳng số 14 được các bác sĩ đặt vào vị trí đoạn động mạch chủ bị thủng để làm nhiệm vụ vận chuyển máu. Kết quả giải phẫu bệnh ghi nhận các nang lao điển hình, cho thấy người bệnh mắc lao thành mạch và lao hạch. Sau phẫu thuật 4 ngày, bệnh nhân được tiếp tục điều trị lao theo phác đồ.

Ói ra máu không rõ nguyên nhân, phát hiện thông thương động mạch - ruột non

Chỉ sau đó 2 tháng, Bệnh viện Bình Dân tiếp tục tiếp nhận thêm trường hợp lao mạch máu gây thủng động mạch chủ là ông Đ.M.T (64 tuổi, Cà Mau). Ông nhập viện cấp cứu vì ói máu và đi cầu phân đen từng đợt lượng nhiều không rõ nguyên do. Bệnh nhân mất máu nặng, phải truyền 5 đơn vị máu. Khi được hỏi ông có từng được phát hiện và điều trị lao không thì ông cho biết mình chưa từng được chẩn đoán lao trước đó.

Kết quả CT đa lát cắt vùng bụng ghi nhận hình ảnh ổ viêm quanh động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, phát hiện lỗ thủng thông từ động mạch chủ vào ruột non. Ngay lập tức, kíp phẫu thuật được thiết lập gồm các chuyên gia phẫu thuật mạch máu và phẫu thuật tiêu hóa để cấp cứu người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vách động mạch bị thủng 2cm, thông vào ruột non. Các bác sĩ đã bóc tách ruột non khỏi vách động mạch chủ, khâu lỗ thủng ruột non. Kết quả giải phẫu bệnh mẫu mô ruột non và thành động mạch cho thấy tổn thương điển hình do lao gây ra. Hậu phẫu bệnh nhân ổn định và được sử dụng thuốc lao theo phác đồ.

Gánh nặng bệnh lao- kẻ giết người thầm lặng
Bệnh lao gây ra do nhiễm vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (TB).
Bệnh lao lan truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét được phát tán trong không khí từ chất tiết khi ho, nhảy mũi, nói chuyện, khạc nhổ của người nhiễm vi khuẩn hoạt động.
Vi khuẩn lao có thể sống trong điều kiện môi trường khắc nghiệt trong thời gian dài.
Về cơ chế lây, khuẩn lao còn lây mạnh hơn cả SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) vốn lây khi tiếp xúc giọt bắn từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng, mắt, mũi. Điểm khác là bệnh lao có thời gian ủ bệnh dài và thường được phát hiện muộn, trong khi SARS-CoV-2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, có thể gây tử vong nhanh.
Bất chấp những nỗ lực lớn, tính đến năm 2020, Ủy ban Quốc gia về Chấm dứt bệnh lao ghi nhận thực trạng tốc độ giảm số ca nhiễm quá chậm so với mục tiêu đưa ra. Mỗi năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới chưa được phát hiện. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 10.000 người tử vong do lao.
Người bệnh lao phải luôn nhớ nguyên tắc dùng thuốc đúng, đủ, đều để bị kháng thuốc. Lao kháng thuốc khiến việc điều trị không hiệu quả, kéo dài thời gian điều trị (20-24 tháng thay vì 6 tháng), gia tăng nguy cơ lây lan cộng đồng.

 

Cần điều trị thuốc lao ngay sau hậu phẫu

BS.CKII Hồ Khánh Đức, trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, cho biết: Lao vách mạch máu dẫn tới phình động mạch chủ, thủng vỡ động mạch chủ là bệnh hiếm gặp. Bệnh thường xuất phát từ lao phổi, lan ra cấu trúc xung quanh động mạch chủ, gây lao hạch, lao màng ngoài tim, mủ màng phổi, lao cột sống hoặc lao cạnh cột sống. Sau đó, trực khuẩn lao có thể xâm nhập vào thành động mạch. Một khả năng khác, ít gặp hơn là trực khuẩn lao di chuyển trong máu và đóng ở mảng xơ vữa của thành mạch gây các tổn thương dạng viêm ở thành động mạch chủ, dần phá hủy thành mạch. Tốc độ diễn tiến bệnh là khác nhau tùy thuộc vào thể trạng người bệnh. Khi lao gây thủng động mạch có thể gây chảy máu ồ ạt hoặc khu trú tạo thành túi phình giả.

Người có tiền sử bị bệnh lao cần đặc biệt lưu ý các biển hiện sau: Sốt và đau bụng liên tục liên quan đến vị trí của túi phình; đột ngột mất tri giác do sốc mất máu, đặc biệt là trong trung thất hay đường tiêu hoá, cũng có thể trong khoang màng phổi, trong ổ bụng hay sau phúc mạc; Sờ thấy khối gồ lên, nằm cạnh động mạch chủ, đập theo mạch, lan rộng nhanh. Lúc này, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa về mạch máu để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.

BS.CKII Hồ Khánh Đức cho biết thêm, theo y văn, tất cả các trường hợp lao mạch máu sống sót đều phải phối hợp phẫu thuật và dùng thuốc chống lao. Không có bệnh nhân nào sống nếu chỉ điều trị thuốc lao đơn thuần. Ngược lại, khả năng tái phát cao nếu chỉ phẫu thuật mà không dùng thuốc lao kèm theo. Người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay khi phát hiện thủng mạch máu và điều trị lao ngay sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.

Hiện nay, các trường hợp phình giả động mạch chủ phải làm giải phẫu bệnh thành mạch hoặc tìm sự hiện diện của vi khuẩn lao. Khi xác định chẩn đoán phình động mạch do lao, cần phẫu thuật cấp cứu dù túi phình còn nhỏ và phối hợp điều trị thuốc lao theo phác đồ lao ngoài phổi. Tránh nguy cơ lao diễn tiến âm thầm, gây viêm thủng mạch máu, dẫn tới đột tử do mất máu.

TRẦN NHUNG

 
;
.