NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Tiến công giải phóng Xuyên Mộc

Thứ Ba, 11/08/2020, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Để mở rộng căn cứ kháng chiến, tháng 4/1947, Chi đội 16, lực lượng vũ trang của tỉnh đã lập kế hoạch tiến công giải phóng Xuyên Mộc, tạo điều kiện xây dựng chiến khu Xuyên- Phước - Cơ nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ. 

Vòng xoay thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) ngày nay.
Vòng xoay thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) ngày nay.

Trước tình thế này, Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng tháng 4/1947 chủ trương củng cố và phát triển lực lượng vũ trang, khẩn trương xây dựng căn cứ kháng chiến ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, quyết tâm đánh bại ý đồ mở rộng chiến tranh xâm lược của địch. Cuối năm 1946, Xứ ủy Nam Kỳ cử ông Trần Xuân Độ, Chủ nhiệm chính trị Khu 7 về tỉnh Bà Rịa làm nhiệm vụ lập lại Tỉnh ủy và chính quyền kháng chiến, củng cố Mặt trận Việt Minh cũng như lực lượng vũ trang, giữ vững và mở rộng căn cứ kháng chiến. Cuối năm 1946, thực dân Pháp chuyển từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, sang chiến lược tập trung lực lượng bình định Nam Kỳ, đồng thời mở rộng chiến tranh ra toàn lãnh thổ Việt Nam. Bộ tham mưu quân đội viễn chinh Pháp hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch bình định vào mùa thu năm 1946. Về quân sự, chúng ưu tiên bố trí lực lượng ở miền Đông Nam Bộ, mở các cuộc hành quân đánh sâu vào vùng căn cứ kháng chiến, tìm diệt lực lượng vũ trang của ta, triệt phá cơ sở kháng chiến trên các địa bàn, đánh phá vùng du kích, thu hẹp vùng căn cứ, dồn ép lực lượng kháng chiến để bao vây tiêu diệt. 

Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy, đầu năm 1947, Tỉnh ủy Bà Rịa được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền, mặt trận Việt Minh, cũng như lực lượng vũ trang kháng chiến trên địa bàn tỉnh được củng cố, phong trào kháng chiến ở Bà Rịa, Vũng Tàu ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để mở rộng căn cứ kháng chiến, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Chi đội 16 lập phương án tiến công giải phóng Xuyên Mộc, tạo điều kiện để khai thông tuyến hành lang nối căn cứ kháng chiến của tỉnh với Cẩm Mỹ, Hàm Tân và các cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở Đông Nam Bộ.

Sau khi chiếm TX. Bà Rịa, quân Pháp tiến công chiếm đóng Xuyên Mộc cùng lúc với Vũng Tàu. Chúng lập đồn bốt và Chi khu Xuyên Mộc, tạo thế liên hoàn với Chi khu Đất Đỏ, TX. Bà Rịa để khống chế lộ 23 và khu vực đồn điền cao su Bình Ba rộng lớn.

Ông Huỳnh Văn Đạo, Chi đội trưởng Chi đội 16 cùng Ban Chỉ huy chi đội đã tổ chức nghiên cứu chiến trường để xây dựng phương án tác chiến. Theo kế hoạch, lực lượng chủ yếu tham gia tiến công giải phóng Xuyên Mộc gồm 2 phân đội. Phân đội 1 có 5 tiểu đội, trang bị hỏa lực 2 súng máy, do ông Trần Đắc làm Phân đội trưởng, ông Trần Đông Hưng làm Chính trị viên. Phân đội 2 có 3 tiểu đội, trang bị 1 súng máy, đặt dưới quyền của Ban chỉ huy Phân đội 1. Ngoài ra còn có sự phối hợp của các lực lượng kháng chiến ở địa phương và cơ sở.

Tháng 4/1947, Chi đội 16 bắt đầu tiến công Chi khu Xuyên Mộc. Lực lượng du kích và công an Phước Bửu được giao nhiệm vụ tổ chức bao vây bắn tỉa, tiêu hao sinh lực địch ở đồn Xuyên Mộc. Phân đội trưởng Trần Đắc và Chính trị viên Trần Đông Hưng bố trí lực lượng phân đội 1 và bộ phận tăng cường của phân đội 2 phục kích ở đoạn suối Mò Om gần cầu Trọng, cách Xuyên Mộc khoảng 2km trên Lộ 23 để tiến công tiêu diệt lực lượng địch từ Chi khu Đất Đỏ và TX. Bà Rịa lên ứng cứu.

Đúng như phán đoán của ta, nhận được tin Chi khu Xuyên Mộc bị vây ép, Pháp vội tập trung quân ở TX. Bà Rịa để tiếp tế hậu cần và tìm cách giải cứu. Đoàn xe chở quân Pháp lên Xuyên Mộc đi theo Lộ 23 đến khu vực suối Mò Om thì lọt vào trận địa phục kích của bộ đội ta. Các chiến sĩ Phân đội 1 và bộ phận tăng cường của phân đội 2, Chi đội 16, chờ địch đến thật gần mới đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp phản ứng, hoảng loạn tìm đường tháo chạy. Quân ta từ bốn phía xung phong, vây hãm, dồn quân Pháp tụ lại để dùng hỏa lực súng máy tiến công tiêu diệt. 

Ngay trong đêm, dân quân du kích đã vận chuyển 2 trái thủy lôi của Nhật trôi dạt vào bờ biển Lộc An đưa về phá hủy cầu Trọng, cắt đứt tuyến đường tiếp tế của địch. Trận phục kích quân Pháp ứng cứu Xuyên Mộc của bộ đội ta hoàn toàn thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội gồm hàng trăm tên địch, phá hủy 4 xe quân sự, thu nhiều vũ khí và trang bị quân sự của địch. Chiến công của lực lượng vũ trang kháng chiến đã giáng một đòn chí tử vào tinh thần của quân địch ở Chi khu Xuyên Mộc cũng như Chi khu Đất Đỏ và TX. Bà Rịa.

Cuối năm 1947, ngoài chiến khu Long Mỹ, vùng giải phóng của tỉnh Bà Rịa đã được mở rộng đến các địa bàn Phước Bửu - Xuyên Mộc, Long Phước và Long Sơn, tạo nên một hệ thống căn cứ liên hoàn, khai thông liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở, tạo địa bàn đứng chân cho các lực lượng vũ trang kháng chiến của miền Đông, của tỉnh và các quận, huyện. 

Cuộc tiến công giải phóng Xuyên Mộc đã tạo ra một vùng giải phóng rộng lớn, bao gồm các xã Phước Bửu - Xuyên Mộc kéo dài đến cửa biển Lộc An, tạo điều kiện hình thành chiến khu Xuyên- Phước - Cơ (Xuyên Mộc, Phước Bửu, Cơ Trạch) nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

TRẦN QUANG VINH

 

;
.