Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh bạch hầu

Thứ Năm, 20/08/2020, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3593/QĐ-BYT hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong đó nêu rõ các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.

Theo Bộ Y tế, tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vaccine bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng: Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều, thường kết hợp trong các vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1: mũi thứ 1 tiêm lúc 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 lúc 3 tháng tuổi; mũi thứ 3 lúc 4 tháng tuổi. Tốt nhất nên hoàn thành mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi.

Tiêm nhắc lại: Mũi 4: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu nguyên liều, tiêm lúc 18 đến 24 tháng tuổi. Mũi 5: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 đến 7 tuổi. Mũi 6: Tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 đến 15 tuổi.

Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng: Tiêm các mũi cơ bản: Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vaccine bạch hầu giảm liều): Mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt; mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần; mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng.

Tiêm nhắc lại: Tiêm nhắc lại 2 mũi vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vaccine bạch hầu giảm liều). Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.

TUỆ VĂN

 
;
.