Hiệu quả từ kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chữa bệnh

Thứ Năm, 20/08/2020, 20:35 [GMT+7]
In bài này
.

Thành lập từ tháng 12/2017, Bệnh viện Y học Cổ truyền là bệnh viện chuyên khoa đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát triển y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại, đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh khám bệnh cho người dân.

Bà Lê Thị Bích Phượng (60 tuổi, ở tổ 3, khu phố 4, phường Phước Nguyên, TP.Bà Rịa) bị bệnh thái hóa khớp đã nhiều năm. Trước đây, bà uống thuốc tây để điều trị, tuy nhiên lo dùng lâu sẽ ảnh hưởng đến dạ dày. Từ khi Bệnh viện Y học Cổ truyền đi vào hoạt động, bà chuyển hẳn qua điều trị bằng đông y tại đây. Do điều trị tích cực, tuân thủ đúng lời khuyên của thầy thuốc, căn bệnh thoái hóa khớp của bà đã thuyên giảm đáng kể, việc đi lại, vận động dễ dàng hơn. “Cứ 10 ngày tôi lại đến bệnh viện khám và lấy thuốc một lần. Bác sĩ kiểm tra sức khỏe, dặn dò uống thuốc đúng giờ. Bệnh tình thuyên giảm nên tôi rất tin tưởng vào đội ngũ thầy thuốc tại bệnh viện”, bà Phượng nói.

Ông Lê Sĩ Nghệ (63 tuổi, ở tổ 12, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) đang điều trị tại Khoa Châm cứu - Phục hồi chức năng của Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh 10 ngày nay. Trước đó, do bê vật nặng nên ông bị giãn dây chằng lưng, tê nửa hông bên trái. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, ông Nghệ được bác sĩ cho uống thuốc đông y kết hợp châm cứu bằng xung điện, chiếu đèn hồng ngoại giúp giãn cơ. “Các bác sĩ cho biết, đây là phương pháp điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Đến nay, bệnh của tôi đã giảm được khoảng 70%”, ông Nghệ nói. 

Bác sĩ Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng Khoa Châm cứu-Phục hồi chức năng cho biết, mỗi ngày khoa đón 150-160 người đến khám, điều trị. Theo đó, bệnh nhân được điều trị bằng y học cổ truyền như thủ thuật châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chườm ngải, ngâm thuốc từng bộ phận. Song song đó, bệnh viện còn sử dụng các kỹ thuật, thủ thuật của y học hiện đại như: điều trị bằng sóng ngắn, điều trị bằng siêu âm, máy điều trị bằng sóng xung kích, máy kéo dài cột sống… Đồng thời kết hợp sử dụng một số loại thuốc tây trong các trường hợp bị bệnh cấp tính, mãn tính. Nhờ đó, hiệu quả điều trị cho bệnh nhân tăng cao. 

Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh được Sở Y tế phê duyệt thực hiện 1.117 kỹ thuật, trong đó có 6 kỹ thuật tuyến trung ương, 78 kỹ thuật tuyến tỉnh, 401 kỹ thuật tuyến huyện, số còn lại thuộc tuyến xã. Theo xu hướng phát triển, bệnh viện kết hợp y học cổ truyền lẫn hiện đại vào khám và điều trị cho bệnh nhân với các bệnh liên quan đến phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, chẩn đoán hình ảnh. Qua đó, giúp người dân được khám, điều trị sức khỏe tốt hơn. Từ tháng 7/2019, bệnh viện bắt đầu thực hiện điều trị nội trú với công suất 30 giường bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh. 

“Với phương châm chăm sóc tận tình, điều trị tận tâm, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh đã thành lập thêm các tổ công tác xã hội, quản lý chất lượng, chăm sóc khách hàng để phục vụ người dân được tốt nhất. Đồng thời mỗi nhân viên y tế cần phải ứng xử chuẩn mực, nhẹ nhàng và niềm nở với người bệnh, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và yên tâm khi đến Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh”, bác sĩ Dương Văn Tuấn, phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp thông tin thêm.

Thời gian tới, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh tiếp tục kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám chữa bệnh, phát triển các phương pháp điều trị không dùng thuốc, củng cố vườn thuốc nam; triển khai thêm các kỹ thuật mới như cấy chỉ, tiêm xơ búi trĩ bằng y học cổ truyền; đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 
(Bác sĩ Trần Ngọc Triệu, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh)


Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.