Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp

Thứ Hai, 04/11/2019, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Với đức tính cần cù, không ngừng học hỏi, sáng tạo, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu chính đáng. Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh cũng luôn đồng hành, hỗ trợ hiệu quả cho chị em.

KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG

Đến tham quan xưởng điêu khắc gỗ mỹ nghệ Tấn Phát của chị Lê Thị Trang (49 tuổi, ở xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa), ai cũng sẽ thích thú trước những bộ bàn ghế, hòn non bộ, tượng… được làm bằng gỗ rất tinh xảo. Chị Trang cho hay, vợ chồng chị đều tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi cưới, anh chị về làm việc trong cơ sở của gia đình chồng, từ năm 2009 thì tiếp quản cơ sở cho đến nay.

Để tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo và xây dựng được thương hiệu đồ gỗ thủ công mỹ nghệ như hôm nay, chị Trang đã dành nhiều tâm huyết, công sức và không ngừng tự học hỏi. Hiện nay, ngoài việc tạo thu nhập ổn định cho gia đình với mức hơn 300 triệu đồng/năm, cơ sở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động khác. Chị Trang là một trong những tấm gương tiêu biểu khởi nghiệp thành công của phụ nữ BR-VT, vừa được Hội LHPN tỉnh biểu dương nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 vừa qua. Chị Trang cho biết: “Được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là động lực giúp tôi tiếp tục tự tin mở rộng thị trường, phát triển sản xuất, giúp thêm nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định”.

Chị Hồ Thị Thu Hiền (bên trái) giới thiệu sản phẩm với khách.
Chị Hồ Thị Thu Hiền (bên trái) giới thiệu sản phẩm với khách.

 Chị Hồ Thị Thu Hiền (38 tuổi, ở 178 Phạm Hồng Thái, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) làm thu ngân tại một khách sạn. Là người yêu thích các sản phẩm gần gũi thiên nhiên, ban đầu, chị tự làm túi xách, ba lô… từ cói, lục bình, mây, tre để sử dụng. Thấy sản phẩm làm ra đẹp, được nhiều người khen, năm 2016, chị mạnh dạn làm đại trà để bán ra thị trường. Hầu hết các sản phẩm túi xách, ba lô, bóp… đều do chị tự đan, còn cô con gái đảm nhận khâu vẽ hình trang trí. Vào những thời điểm đắt hàng, chị thuê thêm người làm cho kịp tiến độ. Mỗi năm, chị sản xuất khoảng 3.000 sản phẩm. Ngoài thị trường BR-VT, sản phẩm của chị còn được tiêu thụ ở TP.Hồ Chí Minh, TP.Nha Trang và xuất đi Nga, Mỹ, Singapore... Ước tính, sau khi trừ chi phí, chị thu về gần 100 triệu đồng/năm. Chị Hiền chia sẻ: “Đây là những món đồ dùng vừa đặc sắc, vừa thân thiện với môi trường. Do đó, tôi muốn tạo nên sản phẩm thuần Việt và góp phần bảo vệ môi trường”.

Con gái chị Hiền vẽ tranh trang trí túi xách, balô, bóp…
Con gái chị Hiền vẽ tranh trang trí túi xách, balô, bóp…

SÁT CÁNH CÙNG PHỤ NỮ

Năm 2012, chị Đào Thị Cúc (tổ 16, ấp Đông, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) khởi nghiệp với nghề làm bánh tráng. Thời gian đầu, chị gặp khó khăn cả về vốn lẫn cách tiếp cận khách hàng. Để hỗ trợ chị Cúc, các phụ nữ trong tổ 16 đã giới thiệu mô hình sản xuất bánh tráng của chị với HTX Hòa Thành nhằm đưa khách du lịch tới tham quan. Nhờ đó, khách hàng dần biết đến sản phẩm của chị. Năm 2016, chị Cúc còn được vay 42 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm dành cho phụ nữ. Ngoài ra, chị còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, cơ sở làm bánh tráng đã mang lại cho chị nguồn thu nhập ổn định với 20 triệu đồng/tháng. Chị Cúc chia sẻ: “Thành công của tôi hôm nay có sự hỗ trợ đắc lực của các chị em phụ nữ trong ấp và Hội LHPN xã Hòa Long. Các chị đã hỗ trợ kết nối với khách du lịch nên sản phẩm của tôi đã được nhiều khách hàng biết đến, tiêu thụ tốt hơn”.

Thời gian qua, Hội LHPN các cấp đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình tập hợp, hỗ trợ chị em đã phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như: Hội LHPN TP.Bà Rịa có mô hình “Phụ nữ TP.Bà Rịa giúp phụ nữ khởi nghiệp tại phường Phước Trung và xã Hòa Long”. Hội LHPN TP.Vũng Tàu thì hỗ trợ nhiều gia đình vay vốn. Từ nguồn vốn này, các chị đã khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: chăn nuôi gà, bán hàng tạp hóa, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quán ăn, chế biến hải sản, mở tiệm uốn tóc… Kết quả bước đầu, hầu hết các chị đã phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên. Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để phụ nữ trao đổi, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp, tổ chức các buổi trưng bày, triển lãm sản phẩm khởi nghiệp. Hội cũng tranh thủ tìm kiếm nguồn lực từ các dự án, tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh. Tính đến giữa nhiệm kỳ, hội đã hỗ trợ 256 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với số tiền 3 tỷ đồng. Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, không mang tính phong trào mà tập trung nâng cao hiệu quả giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.