Mái ấm cho trẻ kém may mắn

Thứ Ba, 05/11/2019, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà xã hội Long Hải (TT. Long Hải, huyện Long Điền) vừa là trường học, vừa là ngôi nhà chung của nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi thành lập tới nay, nơi đây đã tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề cho hàng ngàn trẻ em kém may mắn. Nhiều em nay đã trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội.

Lớp dạy nghề may tại Nhà xã hội Long Hải.
Lớp dạy nghề may tại Nhà xã hội Long Hải.

CHẮP CÁNH CHO NHỮNG ƯỚC MƠ

Nhà xã hội Long Hải đang nuôi dưỡng, chăm sóc 131 trẻ, trong đó 66 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: khuyết tật, mồ côi… Các em được chia thành 6 lớp học, từ lớp 1 đến lớp 5. Em Nguyễn Tuyết Như (13 tuổi, ở ấp Hải Bình, TT. Long Hải) cho biết, năm 2016, ba mẹ ly hôn, 3 chị em Như mỗi người một ngả. Chị gái theo mẹ, anh trai và Như theo ba về sống cùng bà nội 80 tuổi. Bà nội lớn tuổi, ba đi làm thuê, thu nhập bấp bênh nên Như được gửi vào Nhà xã hội Long Hải.

Bên cạnh việc học văn hóa, các em còn được học nghề, trang bị kiến thức và kỹ năng sống để có hành trang vững chắc vào đời. Em Nguyễn Thành Danh (14 tuổi, ở KP.Hải Hà, TT.Long Hải), có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba đi biển, mẹ không có việc làm ổn định. Danh được gửi vào học tại Nhà xã hội Long Hải 7 năm qua. Sau khi học xong chương trình văn hóa, em được tạo điều kiện cho học nghề may. Qua 2 năm học nghề, Danh đã biết may thành thạo. Danh cho hay: “Em muốn học nghề may thật giỏi để theo chị gái đi làm thợ kiếm tiền phụ giúp ba, mẹ và lo cho tương lai của mình”.

Nhà xã hội Long Hải như ngôi trường bán trú đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em có thể trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình sau giờ học. Với những trẻ mồ côi, lang thang, bị bỏ rơi, nơi đây lại là gia đình, các em được nuôi dưỡng, chăm sóc, được dạy dỗ để trưởng thành.

Giáo viên ở đây vừa là thầy vừa đảm nhận vai trò của người cha, người mẹ, hiểu rõ tính cách từng em để đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp. Cô Lê Thị Phượng, giáo viên dạy văn hóa tại Nhà xã hội Long Hải từ năm 2011 đến nay cho biết: “Chăm sóc, dạy dỗ các em khá vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì các em không phụ công lao của thầy cô. Nhiều em đã học văn hóa, học nghề và có việc làm ổn định”.

Do hoàn cảnh khó khăn, em Nguyễn Thanh Phong (21 tuổi, ở TT.Long Hải) cho biết, học đến lớp 3 thì em phải nghỉ học để phụ ba mẹ bán vé số. Biết được hoàn cảnh của em, Nhà xã hội Long Hải đã nhận vào, cho học tiếp đến lớp 5. Sau đó, Phong được học nghề sửa chữa xe máy và tìm được việc làm tại một tiệm sửa xe gần nhà. Thời gian sau, khi tích lũy đủ vốn, Phong tự mở tiệm sửa xe tại nhà. Nhờ uy tín, giỏi nghề, tiệm sửa xe của Phong luôn đông khách. Phong cho biết: “Tiệm sửa xe đã mang lại cho em thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Em rất biết ơn các thầy, cô ở Nhà xã hội Long Hải vì đã cho em cơ hội để có được cuộc sống như hôm nay”.

CÒN NHIỀU TRĂN TRỞ

Nhà xã hội Long Hải trước đây là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải, được thành lập cuối năm 2008. Suốt 11 năm qua, kinh phí hoạt động của Nhà xã hội Long Hải chủ yếu do Tổ chức Vì trẻ em Vùng đồng bằng Aper của Pháp tài trợ chính. Ngoài ra, Nhà xã hội Long Hải còn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong tỉnh, các tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài nước. Trẻ em được nhận vào cơ sở ở độ tuổi dưới 16, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Trẻ em nghèo, lang thang, trẻ lao động sớm, trẻ tàn tật, trẻ nhiễm chất độc da cam/dioxin… Trước đây, Nhà xã hội Long Hải chỉ có 5 lớp học văn hóa, từ lớp 1 đến lớp 5 theo hình thức bán trú. Từ năm 2012, Nhà xã hội Long Hải mở thêm lớp học dành cho trẻ khuyết tật và 3 lớp học nghề sửa xe, làm tóc và may. Ngoài việc được hỗ trợ học tập, học nghề miễn phí, các em còn được hỗ trợ ăn uống 1 đến 2 bữa/ngày trong thời gian ở cơ sở, được chăm sóc y tế.

Từ năm 2008 đến nay, Nhà xã hội Long Hải đã tiếp nhận trên 1.200 lượt trẻ em vào chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ học văn hóa và học nghề. Cô Lê Thị Phượng cho biết thêm, khi vào cơ sở, nhiều em tuy lớn tuổi nhưng chưa từng đi học, hoặc đã bỏ học quá lâu, quên cả mặt chữ. Do vậy, các em tuy học cùng khối lớp, nhưng không đồng đều cả về độ tuổi và khả năng tiếp thu nên gây nhiều khó khăn cho việc học tập của các em, cũng như việc giảng dạy của các thầy cô.

Tuy nhiên, đó không phải trở ngại lớn. Khó khăn lớn nhất của Nhà xã hội Long Hải là kinh phí hoạt động. Ông Trần Văn Đấu, Phó Giám đốc Nhà xã hội Long Hải cho biết, những năm gần đây, nguồn tài trợ từ Tổ chức Vì trẻ em Vùng đồng bằng Aper cho cơ sở ngày càng giảm, phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ sở. Năm 2019, chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc các em khoảng 1,7 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn đối với một cơ sở hoạt động dựa vào nguồn vận động. Nhà xã hội Long Hải đã nỗ lực khắc phục bằng việc tăng cường vận động nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhưng cũng chỉ giảm bớt được phần nào. “Chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để duy trì hoạt động của Nhà xã hội Long Hải, giúp những mảnh đời kém may mắn có cơ hội vươn lên”, ông Đấu nói.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.