Những cửa tiệm lâu năm ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Phở Thủy Nguyên - một thời để nhớ

Thứ Hai, 21/10/2019, 18:57 [GMT+7]
In bài này
.

Tọa lạc tại 38 Bacu, phường 1, TP. Vũng Tàu, quán phở bò Thủy Nguyên mở cửa từ trước năm 1954, đến nay vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều thực khách. Không chỉ thưởng thức hương vị phở, nhiều người còn tìm đến nơi đây như tìm về ký ức xưa.

Bà Bùi Thị Nhung và Bùi Thị Kim Cúc (bên phải) thái thịt bò chuẩn bị món phở phục vụ khách.
Bà Bùi Thị Nhung và Bùi Thị Kim Cúc (bên phải) thái thịt bò chuẩn bị món phở phục vụ khách.

HƯƠNG VỊ RIÊNG

Quán phở Thủy Nguyên do cụ Bùi Thị Thiện, SN 1932 làm chủ, nay tiếp tục được các con duy trì. Không gian quán nhỏ gọn, bài trí đơn giản với vài bộ bàn ghế inox, bếp đặt gần cửa ra vào. Vậy nhưng, quán vẫn có lượng khách quen và ổn định qua nhiều năm. Nét đặc trưng riêng của quán là chỉ chuyên bán phở bò và phục vụ trong buổi sáng từ 6-11 giờ.

Bà Bùi Thị Nhung (66 tuổi), 1 trong 14 người con của cụ Thiện cho biết, mẹ bà quê gốc Hải Phòng, theo chồng vào TP. Vũng Tàu lập nghiệp. Trải qua nhiều nghề, cuối cùng cụ Thiện quyết định mở quán phở Thủy Nguyên - mang tên một huyện ở TP. Hải Phòng, quê hương cụ. Bà Nhung kể: “Việc kinh doanh ngày ấy rất thuận lợi, quán luôn đông khách. Từ khi còn nhỏ, sau giờ học, chị em tôi thường phụ mẹ bán phở nên đến chừng 16-17 tuổi đã thành thục nghề, có thể tự nấu được phở đúng vị. Sau này, khi mẹ mất, 4 chị em trong gia đình tôi cùng các cháu vẫn duy trì quán và vẫn giữ hương vị riêng, không bán theo trào lưu thêm các món khác như bò viên, bò chả…”.

Để duy trì quán phở, 4 người con của cụ Thiện cùng các con, cháu đích thân chuẩn bị từ nguyên liệu đến khâu chế biến. Bà Bùi Thị Kim Cúc (57 tuổi), con gái thứ 7 của cụ Thiện cho biết, trong món phở, thành phần quan trọng nhất là nồi nước dùng phải ngon. Để có nồi nước dùng ngon, chị em bà phải chuẩn bị từ trưa hôm trước. “Muốn nước dùng trong và ngọt, chúng tôi phải hầm xương và giữ lửa liên tục để nước không bị chua. Quán có nhiều khách quen vì vị nước dùng ngon, lát thịt bò không quá dày, vừa ăn, giữ được hương vị như bao năm qua”, bà Cúc bộc bạch.

Thực khách thưởng thức phở tại quán Thủy Nguyên. Ảnh: NHÃ UYÊN
Thực khách thưởng thức phở tại quán Thủy Nguyên. 

LƯU GIỮ KÝ ỨC XƯA

Ra đời và được lưu giữ lâu năm, phở Thủy Nguyên trở thành một phần ký ức của nhiều người dân Vũng Tàu. Có lẽ vì vậy mà khách đến quán chủ yếu là khách quen, trong đó có những người gắn bó nhiều năm. Ông Nguyễn Nho (70 tuổi, phường 3, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Tôi ăn phở Thủy Nguyên từ những ngày còn trẻ. Quán đã gắn bó với nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Hiện nay, thỉnh thoảng tôi vẫn cùng bạn bè, con cháu đến quán dùng bữa sáng. Suốt mấy chục năm qua, hương vị phở ở đây vẫn không thay đổi”. Còn chị Nguyễn Hồng Hạnh (42 tuổi, phường 4, TP. Vũng Tàu) thì chia sẻ: Hiện nay, quán phở mọc lên rất nhiều nhưng chị vẫn là thực khách trung thành của quán phở Thủy Nguyên. “Khi còn nhỏ, chị em tôi thường được má dẫn tới quán phở này. Lớn lên, đi làm và lập gia đình rồi, tôi vẫn có thói quen lui tới quán để dùng bữa sáng cùng bạn bè, người thân. Với tôi, quán phở Thủy Nguyên không chỉ là quán ăn mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp thời ấu thơ cùng má và các chị em trong nhà”, chị Hạnh chia sẻ.

Bên cạnh khách quen, người địa phương, phở Thủy Nguyên còn là địa điểm được khách du lịch tìm về khi đến thành phố biển. Anh Đinh Hải Nam, đến từ TP. Cần Thơ cho biết, năm 2015, khi du lịch Vũng Tàu, anh được người bạn dẫn đến quán phở Thủy Nguyên. Từ đó, mỗi khi có dịp đến TP. Vũng Tàu, anh lại đến quán để dùng điểm tâm. “Tôi rất thích phở Thủy Nguyên vì vị ngon, bánh phở mềm, dẻo và nước dùng ngọt, trong, vừa ăn, không quá béo”.

Mấy chục năm qua, con, cháu của cụ Thiện luôn tự hào vì lưu giữ được quán do ông, cha để lại. Bà Kim Cúc cho biết thêm, hiện nay trung bình mỗi ngày quán phục vụ khoảng 100 tô phở. Tuy không cho thu nhập cao và việc buôn bán vất vả nhưng do “lấy công làm lời” nên vẫn bảo đảm duy trì cuộc sống gia đình. Đối với các chị em bà, điều đáng quý nhất là nhờ quán phở này mà các thành viên, các thế hệ trong gia đình luôn gắn bó, đoàn kết. “Mỗi ngày, sau khi nghỉ bán, chị em chúng tôi và các cháu lại cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Những ngày lễ, cuối tuần, các cháu tự giác tới quán phụ việc. Ai cũng quyết tâm giữ vững quán ăn được ông bà để lại”, bà Cúc nói thêm.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.