Cơ hội việc làm cho lao động nữ vẫn còn ít

Thứ Năm, 09/05/2019, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

Khó tiếp cận cơ hội việc làm, bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng, làm công việc giản đơn với mức thu nhập thấp... đang tạo ra bất bình đẳng trong lao động-việc làm giữa nam giới và nữ giới trên địa bàn tỉnh.

Lao động nữ vẫn bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Trong ảnh: Lao động nữ tìm việc tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức (ảnh mang tính minh họa).
Lao động nữ vẫn bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng. Trong ảnh: Lao động nữ tìm việc tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức (ảnh mang tính minh họa).

DN NGẠI TUYỂN LAO ĐỘNG NỮ

Thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, qua 20 phiên giao dịch việc làm gần nhất, cơ hội việc làm cho lao động nữ (LĐN) thấp hơn so với nam giới. Số LĐN mà DN cần tuyển có 5.465 người/12.345 lao động (chiếm tỷ lệ 44,2%). Trong khi, LĐN có nhu cầu đăng ký tìm việc làm cao hơn nam với 2.047/3.921 lượt người tìm việc làm (chiếm 52,2%). Tuy nhie6n, trong số này chỉ có 789 LĐN nhận được việc làm. Theo đánh giá, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều DN ít tuyển LĐN vì lo ngại phụ nữ mất nhiều thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con nhỏ; năng suất lao động thấp hơn nam; ít có thời gian để nâng cao trình độ tay nghề… 

Hiện BR-VT tập trung nhiều KCN lớn, ngoại trừ một số DN chuyên về ngành may mặc, giày da, chế biến thủy sản cần số lượng lớn LĐN, còn lại đa phần ưu tiên tuyển nam giới. Đặc biệt, nhiều ngành nghề trước kia vốn chỉ ưu tiên LĐN thì nay có xu hướng ưu tiên tuyển lao động nam. Chị Nguyễn Tuyết Minh, phụ trách nhân sự một công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc đóng trên địa bàn TX. Phú Mỹ cho biết, công ty đang có nhu cầu tuyển kế toán và trợ lý giám đốc. “Trước kia, chúng tôi ưu tiên những công việc này cho LĐN. Tuy nhiên, do LĐN thường vướng bận con cái, gia đình, ngại đi công tác xa và không có nhiều thời gian đầu tư cho công việc, nâng cao trình độ tay nghề nên công ty tuyển ứng viên nam để bồi dưỡng, phát triển thêm trong công việc”, chị Minh nói thêm.

Không dễ tìm việc làm, LĐN buộc phải chấp nhận công việc giản đơn với mức thu nhập thấp. Cầm trên tay bộ hồ sơ xin việc, chị Trương Thị Định (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, trước kia chị từng làm kế toán nhưng khi sinh con chị phải xin nghỉ vì nhà neo người. Sau 2 năm, chị muốn đi làm trở lại nhưng mãi vẫn chưa tìm được việc. Chị Định cho hay: “Tôi mong tìm được công việc để đi làm trở lại với mức lương phù hợp, tuy nhiên khi biết tôi đang nuôi con nhỏ thì nhiều công ty tỏ ra e ngại”.

TĂNG CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO LĐN 

Dù Luật Bình đẳng giới quy định: Nam, nữ bình đẳng về cơ hội việc làm và quyền tự do lựa chọn việc làm; bảo đảm việc làm, chống phân biệt đối xử. Song trên thực tế việc thực hiện các quy định này vẫn bị tác động bởi định kiến giới dẫn tới chưa có sự công bằng trong lao động-việc làm đối với LĐN. Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng dạy nghề, Sở LĐTBXH nhận định, ngoài khó tiếp cận với cơ hội việc làm thì LĐN lớn tuổi trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với thực trạng bị DN tìm cách đào thải. “LĐN từ 40 tuổi trở lên đang gặp khó khăn khi bị DN tìm cách đẩy ra khỏi công ty do lớn tuổi. Lý do DN tìm cách “đuổi khéo” LĐN lớn tuổi là vì sức lao động của nữ khi càng lớn tuổi càng giảm, trong khi mức lương trả cho LĐN có thâm niên nghề nghiệp cao. Thực tế này rơi vào các DN gia công sản xuất. Điều này đã làm giảm cơ hội tham gia thị trường lao động đối với LĐN. LĐN nông thôn lớn tuổi gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi việc làm do trình độ chuyên môn kỹ thuật kém, chủ yếu là làm nông nghiệp, khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật hay kiến thức mới hạn chế”, ông Triều cho biết. 

Trong 10 năm (2008-2018) thực hiện Luật Bình đẳng giới, toàn tỉnh đã có 198.498 LĐN được tạo việc làm (chiếm tỷ lệ 50,46%). Trung bình, mỗi năm BR-VT có từ 15.000-20.000 LĐN được giải quyết việc làm. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho LĐN ở nông thôn được triển khai từ năm 2011 đến nay với Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm” đã giúp hơn 10.000 LĐN được đào tạo nghề. 

Theo số liệu quản lý về giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, một thực tế trong sự chuyển đổi, xê dịch ngành nghề ở LĐN độ tuổi 25-40 tuổi khá cao và thường xuyên hơn so với nam giới. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 10- 2018, toàn tỉnh có 4.126 LĐN chấm dứt hợp đồng lao động, trong khi đó con số này ở nam giới là 3.562 người. 

Dù nỗ lực kéo giảm khoảng cách giới nhưng theo ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thì công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để tăng cơ hội việc làm cho LĐN, thời gian tới Sở LĐTBXH tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho LĐN; tạo điều kiện cho LĐN tiếp cận các cơ hội việc làm, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong quan hệ việc làm và thu nhập; tạo điều kiện cho LĐN tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội…

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

 
;
.