Tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà, hậu quả khôn lường

Chủ Nhật, 17/02/2019, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, khi bị sốt cao một cách đột ngột, kèm thêm các triệu chứng đau đầu, nhức mỏi… người dân cần nghĩ tới khả năng mắc SXH và phải đến cơ sở y tế khám, tránh tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến hậu quả khó lường.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân mắc SXH tại BV Lê Lợi.
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân mắc SXH tại BV Lê Lợi.

Mới đây, vào ngày 1-2-2019, một bệnh nhân nam 36 tuổi (ngụ tại TP.Vũng Tàu) đã tử vong do SXH vì chủ quan tự ý điều trị SXH tại nhà. Theo thông tin từ BV Lê Lợi, bệnh nhân nói trên bị sốt, đau nhức kéo dài trong 3 ngày nhưng nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường. Đến ngày thứ 4, bệnh nhân mới đến BV Lê Lợi khám và được chẩn đoán SXH. Vào thời điểm đó, các bác sĩ xác định thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, đã bớt sốt nên được cho về điều trị ngoại trú và hẹn tái khám sau 3 ngày. Các bác sĩ của BV Lê Lợi cũng đã căn dặn bệnh nhân khi có dấu hiệu bệnh trở nặng, phải lập tức nhập viện. Tuy nhiên, sau khi về nhà, bệnh nhân đã tự ý mua thuốc điều trị mà không đến BV tái khám. Gần 1 tuần sau, bệnh nhân được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch với các biểu hiện: nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, rối loạn đông máu… Bệnh nhân được các bác sĩ BV Lê Lợi chẩn đoán là bị sốc SXH và tổn thương đa cơ quan, chuyển về phòng hồi sức tích cực điều trị. Sau áp dụng các biện pháp giảm sốc, ổn định tình trạng cho bệnh nhân, BV Lê Lợi đã lập tức chuyển bệnh nhân lên tuyến trên BV Nhiệt Đới TP.Hồ Chí Minh điều trị nhưng bệnh nhân cũng không qua khỏi. BV Nhiệt Đới cũng đã xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân do sốc SXH và tổn thương đa cơ quan. 

Đây là trường hợp SXH tử vong đầu tiên kể từ năm 2017 đến nay. Ngoài trường hợp kể trên, năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã từng có 2 trường hợp tử vong do SXH cũng vì đến BV điều trị muộn khi bệnh đã biến chứng nặng không thể cứu chữa.

Bác sĩ Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội, BV Lê Lợi cho biết, ở người trưởng thành, bệnh SXH thường ít gây nguy hiểm, biến chứng so với trẻ em. Tuy nhiên, người lớn thường có tâm lý chủ quan, lơ là các dấu hiệu của bệnh mà không đến BV khám kịp thời nên dễ để bệnh chuyển biến nặng. Mặt khác, ở người lớn có những bệnh nền như bị xuất huyết dạ dày, các bệnh lý về gan, thận, rối loạn đông máu, bệnh lý tim mạch, suy tim... thì khi bị mắc SXH thường dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân SXH cần được theo dõi chặt chẽ, kể cả khi cho bệnh nhân về nhà điều trị ngoại trú.

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày, tại Khoa Nội, BV Lê Lợi tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân mắc SXH. Đáng lo ngại là hầu hết các bệnh nhân khi nhập viện đều chưa từng nghĩ đến việc bị SXH. Chỉ sau 4 - 5 ngày sốt, cơ thể đau nhức, tự mua thuốc uống mà không thuyên giảm mới đến BV. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, trong thời điểm bệnh SXH đang gia tăng và lây lan, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau đầu, nhức mỏi, đặc biệt là có dấu hiệu xuất huyết, người dân cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế. Những người đang có các bệnh mãn tính lại càng phải đến cơ sở y tế sớm hơn.

Hiện nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nên cách phòng tốt nhất là tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hằng ngày. Người dân cũng cần tăng cường các biện pháp loại trừ yếu tố truyền bệnh bằng cách chủ động diệt lăng quăng, áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt. Hàng ngày, hàng tuần mọi gia đình cần thực hiện việc vệ sinh khu vực sinh sống, tránh để nước tù đọng là nơi sinh trưởng cho lăng quăng, đậy kín các vật dụng chứa nước, thay nước bình hoa…

Mặc dù đang là thời điểm mùa khô nhưng theo báo cáo của TTYT Dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 503 trường hợp mắc SXH, tăng 24 trường hợp so với cùng kỳ 2018. TP.Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc cao nhất với 220 trường hợp. Ngành y tế đã phối hợp với các địa phương phát hiện 94 ổ dịch SXH và tiến hành xử lý toàn bộ bằng phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức diệt lăng quăng, giám sát ca bệnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp của SXH, bên cạnh công tác phòng chống, điều trị bệnh SXH thì mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng chống và để ý sớm các dấu hiệu SXH để đến cơ sở khám chữa bệnh kịp thời.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.