Vì sao Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo bị "đóng băng"?

Thứ Sáu, 15/02/2019, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh. Chính sách này nhằm hỗ trợ bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khi phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, đến nay, số lượng người thụ hưởng từ nguồn quỹ này rất ít.

Theo Quyết định số 16, Sở Y tế được giao quản lý quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Quỹ này được lập trên cơ sở một phần ngân sách và một phần vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (việc thực hiện vận động trước đây được giao cho Sở KH-ĐT). Đối tượng thụ hưởng được phân làm 3 loại: Các đối tượng 1 và 2 lần lượt là người nghèo theo chuẩn quốc gia, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng 3 là người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim không đủ khả năng chi trả viện phí. Nội dung chi gồm: chi phí vận chuyển, tiền ăn, một phần chi phí điều trị... Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017 quỹ này vẫn chưa chi hỗ trợ được đối tượng nào. Vì vậy, nguồn quỹ tồn hơn 22 tỷ đồng phải trả về ngân sách tỉnh.

Đơn cử, BV Bà Rịa đã thông báo triển khai quyết định nói trên từ tháng 8-2016. Tuy nhiên, từ đó đến nay, BV mới chỉ xin được hỗ trợ 350 ngàn đồng cho bệnh nhân là hộ nghèo chuẩn quốc gia từ quỹ này. Trong khi đó, hàng năm, BV Bà Rịa đều phải tự huy động các nguồn đóng góp từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Chẳng hạn, riêng năm 2018, BV có 218 bệnh nhân khó khăn đã được hỗ trợ chi phí điều trị (gần 825 triệu đồng), nhưng tất cả đều là do BV tự vận động tài trợ. 

Một bệnh nhân nhập viện tại BV Bà Rịa có hoàn cảnh nghèo, đơn thân, không có tiền đóng viện phí.
Một bệnh nhân nhập viện tại BV Bà Rịa có hoàn cảnh nghèo, đơn thân, không có tiền đóng viện phí.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận, việc chi hỗ trợ bệnh nhân nghèo chưa thực hiện được một phần là do việc triển khai Quyết định 16 chưa rốt ráo, nhất là chưa có  hướng dẫn cụ thể để các cơ sở y tế triển khai. Về khách quan, Quyết định 16 còn bó hẹp đối tượng thuộc diện được thụ hưởng. Chẳng hạn, theo quy định, để được hỗ trợ tiền ăn và một phần chi phí khám chữa bệnh từ nguồn quỹ này, bệnh nhân phải có hộ khẩu thường trú tại BR-VT và phải điều trị nội trú tại các BV, trung tâm y tế công lập. Nhưng trên thực tế, nhiều hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại BR-VT nhưng không có hộ khẩu thường trú. Đại diện các BV, trung tâm y tế cho rằng đây là quy định cần được sửa đổi.

Một bất cập khác là Quyết định 16 chỉ quy định hỗ trợ người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí (đối tượng 3) là còn bó hẹp. Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Giám đốc BV Mắt nói: “Tại BV Mắt hiện nay đang có hàng chục ngàn bệnh nhân mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa được mổ mắt. Do đó, tôi đề nghị tỉnh nên điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ là bệnh nhân nghèo phẫu thuật mắt tránh mù lòa”. 

Bác sĩ Phạm Minh An cho biết, năm 2019, ngân sách tỉnh cấp cho quỹ hơn 2,68 tỷ đồng. Để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ, ngành sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị trong việc xác định đối tượng, quy trình, thủ tục hành chính để hỗ trợ bệnh nhân. Bên cạnh đó, Sở giao các bộ phận chuyên môn tổng hợp ý kiến của các đơn vị, nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp thực tế, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng, tháo gỡ khó khăn về hỗ trợ cho đối tượng thứ 3. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

;
.