Người phụ nữ không sáng mắt nhưng sáng lòng

Thứ Sáu, 19/10/2018, 07:48 [GMT+7]
In bài này
.

Vượt qua sự khiếm khuyết trên thân thể, bằng ý chí, nghị lực phi thường, nhiều năm qua, chị Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh đã nỗ lực không ngừng vì hạnh phúc gia đình và cống hiến cho những người cùng cảnh ngộ.

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Chị Trang nghe con trai Nguyễn Thành Tài đọc bài từ sách giáo khoa.
Chị Trang nghe con trai Nguyễn Thành Tài đọc bài từ sách giáo khoa.

Sau một ngày tất bật với công việc ở Hội Người mù tỉnh, về nhà, chị Trang lại bận rộn với công việc nội trợ. Mọi việc, từ nhặt rau, kho cá, giặt quần áo, thu dọn đồ đạc, quét nhà đến nhắc nhở, kiểm tra con học bài, chị đều đảm nhận như một người mẹ, người vợ bình thường.

Chị Trang sinh năm 1970. Ban đầu, chị cũng khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng rồi, một lần khi vui chơi cùng bạn, chị nhặt phải kíp mìn. Không may, kíp mìn nổ, khiến đôi mắt của chị vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng. Năm đó, chị mới 5 tuổi. Ước mơ được cắp sách đến trường, hay những buổi vui chơi cùng bạn bè dang dở. Chị chỉ biết quanh quẩn trong nhà với sự trợ giúp sinh hoạt hằng ngày của ba mẹ. 

Sau những ngày sống trong bóng tối, khát khao được hòa nhập với bạn bè, được đến trường đã thôi thúc chị phải vượt qua nghịch cảnh. Vậy là năm 12 tuổi, chị quyết định rời xa vòng tay cha mẹ, lên TP. Hồ Chí Minh học tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài các môn văn hóa, chị Trang còn được các thầy, cô ở trường dạy các kỹ năng sinh hoạt dành cho người khiếm thị như: cách quét nhà, nấu nướng, may vá, rót nước, đi đường… Sau 14 năm miệt mài học tập, chị đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Ra trường năm 1997, chị về công tác tại Hội Người mù tỉnh. Nhận thấy nhiều người cùng cảnh ngộ thiệt thòi, gặp khó khăn vì không biết viết chữ nổi Braill, chị đã kiên trì truyền dạy cho họ. Kinh phí ngân sách cấp không đủ, chị cùng các nhân viên của Hội chẳng ngại khó, ngại khổ, gõ cửa từng DN, tổ chức và các mạnh thường quân để vận động kinh phí hỗ trợ ăn, ở, dụng cụ học tập… cho hội viên. Ngoài ra, chị còn tới nhà dạy chữ nổi cho một số người cùng hoàn cảnh với mong muốn giúp họ biết chữ để thuận tiện trong cuộc sống. Tính đến nay, chị Trang đã giúp khoảng 120 người mù biết đọc, biết viết thành thạo.

Anh Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội Người mù TP.Vũng Tàu cho biết, năm 2008, khi biết chị Trang dạy chữ nổi Braill, anh đã tìm đến nhờ chị giúp đỡ. “Chị Trang cầm tay hướng dẫn tôi cách nhận dạng từng chữ cái, cách viết, ghép vần, đánh vần. Sau 3 tháng được chị Trang chỉ dẫn, tôi đã biết đọc, biết viết thành thạo. Biết chữ nổi Braill đã giúp tôi tự tin trong giao tiếp và ứng dụng trong công việc hằng ngày. Mỗi lần đi họp, tôi có thể ghi chép những điều cần nhớ vào sổ”, anh Minh nói.

Năm 2002, chị Trang kết hôn với anh Nguyễn Văn Hòa (hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Đất Đỏ) - người cũng có hoàn cảnh tương tự: bị mù một mắt, mắt còn lại chỉ còn 85% thị lực. Hạnh phúc mỉm cười với anh chị khi lần lượt 2 cậu con trai ra đời, khỏe mạnh và chăm ngoan (hiện đang học lớp 6 và lớp 8, Trường THCS Thắng Nhất). Ngoài công việc ở cơ quan, anh Hòa cũng tích cực phụ vợ coi sóc việc nhà và các con. “Trong nhà một người không may bị khiếm khuyết đã khó khăn, còn nhà tôi hai vợ chồng cùng khiếm thị nên việc sinh hoạt cũng gặp ít nhiều trở ngại. Thương vợ vất vả, những lúc rảnh rỗi, tôi luôn phụ giúp cô ấy việc nhà và chăm sóc con”, anh Hòa chia sẻ. 

ĐỂ MỖI NGÀY THÊM Ý NGHĨA

Bằng sự nỗ lực, chị Trang đã học cách sử dụng máy vi tính để thuận tiện cho công việc hằng ngày.
Bằng sự nỗ lực, chị Trang đã học cách sử dụng máy vi tính để thuận tiện cho công việc hằng ngày.

Bằng ý chí, nghị lực, vượt qua nỗi tự ti về sự khiếm khuyết trên thân thể, chị Trang đã vượt lên nghịch cảnh, hòa nhập cộng đồng, nỗ lực mỗi ngày để cuộc sống tốt đẹp hơn. 2 năm nay, chị Trang đã học và sử dụng được máy vi tính để hỗ trợ cho công việc hằng ngày.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chị Trang luôn nỗ lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Về tinh thần, hằng năm, chị tổ chức cho hội viên đi tham quan, giao lưu tại các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp; tổ chức hội thao nhân Ngày Người tàn tật 3-12. Về vật chất, ngoài nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, chị Trang cùng cán bộ, nhân viên Hội tích cực vận động sự giúp đỡ của các tổ chức, DN, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2017, Hội Người mù tỉnh đã vận động được tổng số quà và tiền mặt tương đương gần 1,7 tỷ đồng để tặng hội viên nhân dịp lễ, tết; sửa chữa 5 căn nhà cho hội viên. 6 tháng đầu năm 2018, Hội Người mù tỉnh đã vận động được gần 1,6 tỷ đồng, tặng quà cho 3.651 lượt hội viên và trẻ em mù; sửa chữa 6 căn nhà và xây mới một căn cho hội viên.

Khi nói về cuộc sống riêng, chị Trang luôn tỏ vẻ lạc quan, yêu đời nhưng khi nói về công việc, giọng chị lại chùng xuống. Chị bảo, chị rất thương những người khiếm thị vì nhiều người không có thân nhân hoặc bị người thân coi là gánh nặng, khiến họ tủi thân và có tâm lý tự ti. “Tôi mong mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho công việc và giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ. Tôi cũng mong nhận được nhiều vòng tay nhân ái của cộng đồng để chia sẻ những khó khăn với người tàn tật, đặc biệt là những người mù để họ được tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”, chị Trang bày tỏ.

Bài, ảnh: THI PHONG

20 năm làm việc tại Hội Người mù tỉnh, chị Trang đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội, được cán bộ, nhân viên Văn phòng, hội viên tín nhiệm. Từ năm 2009-2014, chị Trang làm Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, từ năm 2015 đến nay, chị giữ chức Chủ tịch Hội. Những nỗ lực của chị đã được các cấp ghi nhận: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội Người mù (nhiệm kỳ 2009-2014); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội 2014; Bằng khen của Trung ương Hội Người mù Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác (từ năm 2009-2017).

 

;
.