Chủ trương đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia: Chờ đợi trong lo lắng

Thứ Ba, 02/10/2018, 19:05 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 24-9, tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đề cập đến một số đổi mới trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 về mục đích, phương thức tính điểm xét tuyển tốt nghiệp, cách tổ chức chấm thi... Dù chưa phải là quyết định chính thức, nhưng những quan điểm nêu ra của Bộ trưởng đang làm dấy lên những băn khoăn.  

CÓ QUÁ NHIỀU THAY ĐỔI SẼ TẠO ÁP LỰC

Trong phiên giải trình về việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề cập đến nội dung rất được quan tâm, đó là: vẫn sẽ duy trì kỳ thi THPT Quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1”, mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Đây không phải là quan điểm mới từ phía Bộ GD-ĐT, tuy nhiên, khẳng định này một lần nữa cho thấy đã đến lúc các cơ sở giáo dục ĐH cần phải bàn đến một phương án riêng thay vì chỉ dựa vào kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia.

Thầy Nguyễn Đình Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành  (TP. Bà Rịa) cho rằng, việc đổi mới Kỳ thi THPT Quốc gia là cần thiết để hạn chế những tiêu cực phát sinh, bảo đảm sự khách quan, nghiêm túc của kỳ thi. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thay đổi ngay trong năm học này, sẽ gây khó khăn cho HS và GV. Thầy Nguyễn Đình Lâm cho rằng, đề thi THPT Quốc gia năm 2018 đã đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi “2 trong 1”. Do đó, nếu có đổi mới, Bộ GD-ĐT chỉ cần đổi mới công tác coi thi và chấm thi, bằng cách tách thí sinh dự thi thành 2 hội đồng: Chỉ xét tốt nghiệp THPT và vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH; Bảo đảm đội ngũ làm công tác thi không coi thi, chấm thi HS của địa phương mình. 

HS lớp 12A1 Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) hăng say trong tiết học Ngữ văn. Ảnh: Khánh Chi
HS lớp 12A1 Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) hăng say trong tiết học Ngữ văn. Ảnh: KHÁNH CHI

Chia sẻ quan điểm liên quan đến mục đích lấy điểm xét tốt nghiệp hay điểm xét tuyển ĐH, thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cho rằng, với tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT cao như hiện nay thì không cần thiết phải đầu tư một nguồn kinh phí khổng lồ để tổ chức thêm một kỳ thi chỉ để loại ra một vài HS yếu kém. “Nên chăng Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT thành lập Hội đồng xét tốt nghiệp THPT, còn tuyển sinh ĐH, giao cho các trường ĐH tự chủ để giảm áp lực cho xã hội”, thầy Lợi nói.

Trong khi đó, về phía HS và GV, nếu kỳ thi THPT Quốc gia không áp dụng mục tiêu “2 trong 1” như cũ và phải tổ chức thêm một kỳ thi xét tuyển ĐH thì sẽ gây rất nhiều áp lực. Em Vũ Tá Quyền, HS lớp 12TN3, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Trước đây thi 2 trong 1, thí sinh chỉ cần thi 1 kỳ thi ngay tại địa phương nên rất thuận lợi và đỡ vất vả, tốn kém. Còn nếu chúng em sẽ phải tiếp tục dự thi thêm kỳ thi khác do trường ĐH tổ chức thì sẽ rất căng thẳng”. Hầu hết PH, HS cũng nêu quan điểm có thể bỏ kỳ thi “2 trong 1”, nhưng sẽ tổ chức xét tốt nghiệp THPT và giao cho các trường ĐH tự tổ chức hình thức tuyển sinh của mình (có thể xét tuyển thông qua học bạ hoặc tổ chức kỳ thi tùy từng trường). Trên thực tế, hình thức xét tuyển thông qua học bạ kèm theo một số điều kiện khác đã được một số trường ĐH ngoài công lập áp dụng. 

GIẢM TỶ LỆ ĐIỂM HỌC BẠ TRONG XÉT TỐT NGHIỆP THPT

Từ năm 2014 khi chuyển sang kỳ thi THPT Quốc gia, điểm trung bình lớp 12 được đưa vào công thức tính điểm xét tốt nghiệp. Cụ thể, công thức xét tốt nghiệp là tổng điểm (4 bài thi + tổng điểm khuyến khích chia 4 + điểm trung bình cả năm lớp 12) chia 2 + điểm ưu tiên. Hệ quả của công thức này thể hiện rất rõ trong kết quả thi và xét tốt nghiệp, giúp tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước đã tăng cán mức hơn 99,09%, trong đó nhiều tỉnh, thành thậm chí có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Đây là lý do khiến Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ giảm tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT nhằm khắc phục hạn chế trên. 

Thầy Lê Trúc Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Côn Đảo thẳng thắn nhìn nhận, điểm học bạ thực chất giống như một chiếc “phao cứu sinh” để nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Thầy Tùng dẫn chứng, năm 2018, Bộ GD-ĐT đã công bố tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57%; trong đó Giáo dục THPT đạt 98,36%, GDTX đạt 88,37%. Nếu chưa đưa điểm học bạ vào xét tốt nghiệp thì tỷ lệ này “tuột dốc”, chỉ còn chưa tới 50%. Riêng tại Trung tâm GDTX huyện Côn Đảo, năm 2018, tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 80% nhưng khi tách học bạ thì chỉ đạt 40%. Do đó, thầy Tùng khẳng định việc giảm tỷ lệ điểm học bạ khiến cơ hội tốt nghiệp của HS trở nên khó khăn hơn.

Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo một số trường THPT lại đồng tình với chủ trương giảm tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp. Theo thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ), cách làm này sẽ bảo đảm sự công bằng, phản ánh thực chất năng lực HS, phần nào giải quyết “lỗ hổng” cho điểm HS để nâng tỷ lệ tốt nghiệp.

Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Vũng Tàu trong tiết học Toán. Ảnh: KHÁNH CHI
Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Vũng Tàu trong tiết học Toán. Ảnh: KHÁNH CHI

CHỦ ĐỘNG TRƯỚC NHỮNG DỰ BÁO VỀ NỘI DUNG ĐỀ THI

Trong phiên giải trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, theo kế hoạch, nội dung thi năm nay sẽ gồm kiến thức của cả 3 khối 10, 11, 12. Về nội dung này, thầy Lê Trúc Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Côn Đảo cho rằng, kiến thức của cả 3 khối gói gọn trong 1 bài thi là quá nặng cho HS, đặc biệt là học viên các trung tâm GDTX. 

Để ứng phó với những thay đổi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, bản thân HS và các nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập và “vào guồng” ngay từ đầu năm học. Em Vũ Tá Quyền, HS lớp 12TN3, Trường THPT Nguyễn Huệ đã chia sẻ với chúng tôi về lịch học gần như kín mít. Quyền kể, ngoài thời gian học chính khóa, em còn học phụ đạo 4 buổi/tuần tại trường và học thêm ở trung tâm từ 17-21 giờ. Em thường dậy từ 3 giờ sáng để làm bài tập và học bài. “Với khối lượng kiến thức tương đối lớn, em phải chủ động ngay từ bây giờ để có thể đạt kết quả như mong muốn”, Quyền nói. 

Đến thời điểm này, dù Bộ GD-ĐT chưa chốt phương án thi THPT Quốc gia 2019, nhưng các nhà trường đã có kế hoạch cho những nội dung cơ bản của kỳ thi THPT Quốc gia để HS có những bước chuẩn bị nhất định từ năm học lớp 10,11. Tại Trung tâm GDTX huyện Côn Đảo, ngay từ đầu năm học 2018-2019, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. “Hiện nay, ngoài 4-5 tiết học chính khóa, trung tâm đã bố trí thêm 1 tiết phụ đạo củng cố kiến thức cũ cho học viên. Theo kế hoạch, sang học kỳ 2, trung tâm sẽ tăng số tiết phụ đạo lên 2-3 tiết, kết hợp luyện làm đề thi để HS nắm chắc kiến thức”, thầy Lê Trúc Thanh Tùng cho biết.

Về phía Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa), thầy Nguyễn Đình Lâm cho hay, không chờ đến khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa mà thời điểm này, nhà trường đã tổ chức dạy phụ đạo 4 buổi/tuần các môn trong tổ hợp xét tuyển ĐH cho HS. Bên cạnh kiến thức lớp 12, GV tự khoanh vùng kiến thức lớp 10, 11 cho các em ôn tập. Trong năm học này, nhà trường sẽ tổ chức 4 đợt thi thử THPT Quốc gia, đợt đầu tiên sẽ tổ chức vào tháng 10 tới. 

Một số nội dung dự kiến có sự thay đổi

Ngày 24-9, tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nêu lên một số phương án đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Kỳ thi từ năm tới đây sẽ không phải để phục vụ cho hai mục đích đồng thời mà phục vụ cho tốt nghiệp THPT” mà còn nêu lên một loạt thay đổi đáng lưu ý: Tiến tới giảm tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT; Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi bằng cách tổ chức chấm theo cụm hoặc chấm chéo bài thi giữa các tỉnh, đảm bảo nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình; Thực hiện nguyên tắc các trường ĐH, CĐ không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương nơi trường đóng... Bên cạnh đó, theo kế hoạch, nội dung thi năm nay sẽ gồm kiến thức của cả 3 khối 10, 11, 12.

HOÀNG DƯƠNG

;
.