Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4: Quá tiện lợi, sao chưa được tin dùng?

Thứ Năm, 23/08/2018, 16:48 [GMT+7]
In bài này
.

BR-VT là một trong những địa phương trên cả nước tiên phong thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Nhưng sau khoảng 8 năm triển khai, nhìn vào tỷ lệ người dân, DN sử dụng DVCTT mà không khỏi giật mình. Thậm chí, đến nay, có cả những đơn vị chưa từng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến nào.

Công chức Sở Công thương hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Công chức Sở Công thương hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Theo lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, việc triển khai, cung cấp các DVCTT  mang lại nhiều thuận tiện cho người dân, DN như: Giúp cá nhân, tổ chức tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại so với nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” các cấp; Đồng thời, tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, công khai, minh bạch giữa cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nhờ vậy, các cơ quan tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động, góp phần xây dựng nền hành chính năng động, hiện đại và chuyên nghiệp. Song trong quá trình thực hiện DVCTT mức độ 3 và 4 còn bộc lộ nhiều hạn chế, khiến người dân, DN chưa mặn mà sử dụng hình thức nộp hồ sơ này.

Bà Trần Thị Thanh Thư, Trưởng Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ cho biết, DVCTT mức độ 3 được huyện triển khai từ năm 2013 đối với 56 TTHC. Nhưng đến nay,  Bộ phận “một cửa” của huyện chỉ nhận được 4 hồ sơ nộp qua mạng. Lý giải về nguyên nhân khiến công dân, DN không lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, bà Thư cho biết, huyện Đất Đỏ là địa phương điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn. Đời sống của đa số người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí chưa cao, nhất là sự am hiểu về CNTT còn thấp. Vì vậy, người dân khó có thể đáp ứng, thực hiện đúng và đầy đủ các bước theo quy trình nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng. Do vậy, người dân, tổ chức vẫn lựa chọn hình thức nộp hồ sơ hành chính trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ cho dù cách nộp này mất nhiều thời gian của cá nhân.

Người dân đến nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ.
Người dân đến nộp hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, Phó Trưởng Bộ phận “một cửa” UBND TP.Vũng Tàu cho rằng, trở ngại lớn nhất của việc triển khai DVCTT mức độ 3, 4 là thói quen của người dân, DN. Bởi lâu nay, cá nhân, tổ chức lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp ở Bộ phận “một cửa”. Tại đây, người dân được gặp gỡ công chức để trao đổi cặn kẽ về TTHC, cũng như quá trình giải quyết hồ sơ nên tạo sự yên tâm cho người dân. Trong khi đó, nộp TTHC trực tuyến thì người dân phải chờ đợi phản hồi từ công chức tiếp nhận hồ sơ qua mạng để biết được hồ sơ của mình đã được giao dịch thành công hay thất bại, hoặc cần bổ sung thành phần hồ sơ…, nhưng không phải ai cũng có điều kiện ngồi chờ ý kiến phản hồi từ cơ quan hành chính. Đến nay, TP.Vũng Tàu tiếp nhận 38 hồ sơ đăng ký trực tuyến, trong đó có 17 hồ sơ hợp lệ. “DVCTT mức độ 3, 4 ra đời nhằm cung cấp cho người dân thêm một phương thức nộp hồ sơ mới để cá nhân, tổ chức có nhiều sự lựa chọn dịch vụ mỗi khi có nhu cầu giải quyết TTHC. Vì thế, các cơ quan, đơn vị nên khuyến khích người dân sử dụng nộp hồ sơ trực tuyến”, ông Vinh cho biết thêm.

Cho rằng nộp hồ sơ trực tiếp trực tiếp an tâm hơn, nhiều người chấp nhận mất công đi lại để đến Bộ phận “một cửa” UBND TP.Vũng Tàu.
Cho rằng nộp hồ sơ trực tiếp an tâm hơn, nhiều người chấp nhận mất công đi lại để đến nộp tại Bộ phận “một cửa” UBND TP.Vũng Tàu.

Thậm chí như Sở TN-MT đã cung cấp DVCTT mức độ 3 từ năm 2017 đối với 66 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Nhưng đến nay, Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ nào của cá nhân, DN nộp theo hình thức trực tuyến. Ông Lê Anh Tú, Chánh Văn phòng Sở TN-MT cho biết, để gửi được hồ sơ qua môi trường mạng, người dân, DN phải có máy scan để scan hồ sơ trước, sau đó dùng máy tính có kết nối mạng để chuyển các tệp giấy tờ đã scan đến cơ quan Nhà nước. Điều này chỉ phù hợp với các DN, tổ chức có sẵn máy scan, máy tính kết nối mạng được lắp sẵn tại cơ quan; Còn cá nhân không phải ai cũng có điều kiện để mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị này. Vì vậy, nếu sử dụng DVCTT, người dân phải đến các tiệm photocopy có máy scan để thuê làm nên rất bất tiện. Hơn nữa, hầu hết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT có nhiều thành phần hồ sơ, biểu mẫu phức tạp nên người dân cũng muốn được nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh để được công chức hướng dẫn chỉ tiết, cụ thể hơn là phải tự mình mày mò.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐƯA RA

Sở Công thương là đơn vị được đánh giá thực hiện khá hiệu quả trong triển khai, cung cấp DVCTT mức độ 4. Hiện Sở đã cung cấp DVCTT mức độ 4 trên cổng thông tin dịch vụ trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.baria-vungtau.gov.vn đối với tất cả  142 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Chia sẻ các giải pháp thực hiện DVCTT mức độ 4, bà Ngô Thị Thanh Hương, Phó Chánh Văn phòng Sở Công thương cho biết, thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng về tiện lợi của nộp hồ sơ trực tuyến; phát hành các văn bản thông báo đến tổ chức, cá nhân về việc cung cấp DVCTT mức độ 4; đồng thời gửi kèm tờ rơi hướng dẫn đăng ký. Mặt khác, từ ngày 15-7-2018, Sở còn bố trí một công chức trực mỗi ngày tại quầy giao dịch của Sở tại Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh để hướng dẫn tổ chức, cá nhân khi đến nộp hồ sơ bằng giấy chuyển sang thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Song song đó, Sở Công thương còn thành lập Tổ hỗ trợ xuống DN trực tiếp hướng dẫn các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên tỷ lệ hồ sơ hành chính nộp trực tuyến ngày càng tăng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của Sở chỉ đạt 39,2%, nhưng tính từ 16-7 đến 10-8-2018, Sở đã có 144/249 TTHC được nộp trực tuyến, đạt 57,8%.

Nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020, Sở TN-MT cung cấp DVCTT mức độ 3 ít nhất 80% TTHC, mức độ 4 đối với 20% thủ tục, 40% số lượng hồ sơ được thực hiện thông qua trực tuyến, 90% số lượng hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, Sở đã xây dựng đề án triển khai mô hình tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến và chuyển kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Đề án triển khai mô hình tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến và chuyển kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ mang lại nhiều hiệu quả rõ nét như: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong giải quyết TTHC; Giảm tải việc tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận “một cửa” của Sở TN-MT; Cung cấp thông tin, DVCTT mức độ cao trên diện rộng mang lại hiệu quả cho người dân, DN, làm cho hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước minh bạch hơn; Khách hàng sẽ được bưu điện phục vụ theo yêu cầu tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật…

Trong khi đó, ông Tạ Văn Bửu, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho hay, để nâng cao tỷ lệ người dân, DN nộp hồ sơ hành chính qua DVCTT mức độ 3, 4, ngoài công tác tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đăng ký nộp TTHC qua mạng khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ, Bộ phận “một cửa” UBND huyện Đất Đỏ và các xã, thị trấn khi có người dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ hành chính đã cung cấp DVCTT mức độ 3 thì phải hướng dẫn, khuyến khích cá nhân đăng ký trực tuyến đối với những thủ tục này. Mặt khác, ông Tạ Văn Bửu còn đề xuất thành lập các tổ nghiệp vụ ở các xã để tư vấn, hỗ trợ người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến; đồng thời đầu tư các trang thiết bị như máy tính xách tay, wifi không dây, hỗ trợ kinh phí, bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ nghiệp vụ trong việc hỗ trợ người dân, tổ chức đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến.

Tính đến nay, các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã cung cấp DVCTT mức độ 3 đối với 386 TTHC, mức độ 4 đối với 197 thủ tục; các huyện, thành phố có 146 THHC được triển khai DVCTT mức độ 3. Theo lộ trình mà UBND tỉnh đặt ra, đến năm 2020, cung cấp thêm tối thiểu 77 thủ tục qua DVCTT mức độ 3 và 66 thủ tục qua DVCTT mức độ 4. Để thực hiện đúng lộ trình và đạt được kết quả đề ra, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành và 8 huyện, thị xã, thành phố cần triển khai các biện pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Sở cũng yêu cầu các đơn vị đề xuất giải pháp, phương án đẩy mạnh tỷ lệ người dân, tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến tại đơn vị, địa phương, bao gồm cả phương án mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất… để Sở Nội vụ trình UBND tỉnh xem xét.

(Ông Trương Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nội vụ)


DVCTT mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trực tuyến. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn DVCTT mức độ 4 là DVCTT mức độ 3, nhưng cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.