Màu nắng mới

Thứ Sáu, 05/04/2024, 17:18 [GMT+7]
In bài này
.

1. “Bà Thu chết rồi”. Tân - chồng Thùy nhắn tin trong giờ làm việc. Thùy biết, chỉ những tin sốt dẻo, chồng nàng mới nhắn trong khi đang làm việc như vậy, nên dù hết sức ngỡ ngàng, Thùy cũng không nhắn lại Tân.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Cô vào tìm trang facebook của Cúc - con gái bà Thu. Thời buổi bây giờ chẳng khó khăn để tìm hay xác thực thông tin. Vẻ như nhất cử nhất động đều được cập nhật trên ấy. Từ những việc lặt vặt đến những việc quan trọng. Không để sót bất cứ thông tin gì.

Đúng là bà Thu đã mất. Ở bản cáo phó, Thùy chỉ quan tâm đến độ tuổi của người đã mất. Để xem thử họ già hay trẻ. Tuổi trẻ mà ra đi thì nuối tiếc hơn. Với những người ngoài hàng 70 thì “thôi cũng được rồi”. Cuộc sống về già nếu không khỏe mạnh, hạnh phúc thì khác nào là cực hình. Nhưng bà Thu mới ngoài 60. Còn trẻ.

Lật tìm thêm thông tin cũng từ trang cá nhân ấy, Thùy biết được bà Thu mắc bệnh đã lâu. Cô nhẩm tính, có khi, hồi Thùy còn ở nhà bà thì bà đã mang trong người mầm bệnh rồi.

Suốt buổi sáng hôm ấy, Thùy không tập trung vào công việc được, những ký ức tưởng đã được vùi xuống sâu nhất, nay hiện về rõ một một.

Buổi chiều cuối Hè, đám lá cây sau nhà xào xạc rụng lá theo từng cơn gió. Mẹ nói với Thùy: “Có nhà bà Thu trên thị trấn rộng rãi lắm, lại gần trường học, bà ấy tốt bụng nên sẵn lòng cho học sinh cấp 3 tá túc. Con sắp xếp đồ rồi mẹ chở lên đó ở cho tiện đi học!”. Thùy hỏi lại mẹ: “Nhà bà Thu có giàu không mẹ?”. Mẹ gật đầu: “Giàu chứ, bà Thu buôn bán lâu năm trên thị trấn mà”. “Có giàu như trong phim không mẹ?”. Mẹ gật đầu kiểu như cho xong, rồi trở vào gian bếp làm tiếp công việc của mình.

Với Thùy, một cuộc sống giàu sang thật thích. Thùy sẽ chẳng phải đòi gẫy lưỡi mới được mẹ mua cho đôi dép, như bây giờ. Giàu có, Thùy sẽ có những bữa ăn đầy đủ hơn với các loại thịt cá, hải sản, chứ chẳng phải một món ăn suốt mùa đông, như nhà Thùy. Giàu có, Thùy sẽ có chiếc giường trong căn phòng riêng tư thật rộng, rèm phủ như phòng của những công chúa, hoàng tử trong phim. Giàu có, Thùy sẽ có chiếc bánh kem thật to trong ngày sinh nhật…

Ý nghĩ ấy khiến Thùy rất tò mò và muốn được đến nhà bà Thu sớm hơn. Mẹ rất vui khi thấy sự hào hứng của Thùy.

Hôm sau, mẹ chở Thùy cùng lỉnh kỉnh đồ đạc, dừng lại trước một căn nhà bề thế, nằm ngay mặt tiền đường. Hai bên cổng là hai con chó đá to như con sư tử, màu vàng nhạt. Mẹ Thùy nhấn chuông cửa. Người ra mở cửa cho mẹ với Thùy không phải bà Thu, mà là Tân. Khi ấy, Tân vừa 16, hơn Thùy 1 tuổi.

Tân có ngoại hình già trước tuổi. Người cân đối, săn chắc, nước da ngăm đen, bàn tay và bàn chân to bè ra quá khổ. Tân cười tươi với Thùy và chỉ chỗ để xe cho mẹ.

Bà Thu khi ấy mới ngoài bốn mươi. Tuy ở nhà, nhưng bà mặc loại trang phục rất sành điệu, không như loại áo cổ rộng và quần lò xo như mẹ vẫn mặc, có lẽ vì vậy mà trông bà rất trẻ so với tuổi. Bà nhìn Thùy với ánh nhìn trìu mến, rồi sai Cúc, cô con gái trạc tuổi Thùy dắt Thùy lên phòng chỉ cho chỗ để đồ, khu vực sinh hoạt…

Từ căn lầu nhìn xuống lòng đường nhộn nhịp người qua lại, cảm giác đông vui hơn hẳn so với không khí vắng lặng, buồn tẻ nơi nhà mình, Thùy hào hứng với cuộc sống mới này lắm! Từ lâu, Thùy đã chán cảnh vườn tược nhà mình. Ở thôn quê, mỗi chiều sau 5 giờ, lúc mặt trời chỉ còn những tia nắng yếu ớt đã thấy không gian bao bọc bởi khung cảnh trầm mặc. Chỉ một lát sau đó, bầu trời sụp tối rất nhanh. Nhiều lần, Thùy thấy mình ngột ngạt trong bầu không khí ấy mà chẳng có cách nào thoát ra. Vậy nên, Thùy mong muốn rời khỏi không gian buồn tẻ ấy càng sớm càng tốt.

Nhưng vẻ như bất cứ một niềm vui nào cũng tiềm tàng sẵn những bất an.

2.Thùy luôn nghĩ, người giàu sẽ sống rất khác so với người nghèo. Nếu không, tại sao ai cũng nỗ lực, phấn đấu để trở nên giàu có? Nhưng giàu có như kiểu nhà bà Thu thì Thùy chẳng ham.

Nhà bà Thu là đại lý hàng gia dụng, chuyên bỏ sỉ cho các cửa hàng ở khu vực chung quanh. Công việc nhiều, làm cả ngày không hết, có khi phải làm cả đêm. Đó là những khi xe hàng về, 1-2 giờ sáng, mọi người cũng phải bật dậy dỡ hàng.

Đêm đầu tiên chứng kiến xe hàng về, Thùy dậy vì ồn ào, xong quay sang không thấy Cúc đâu. Thùy xuống mới biết Cúc cũng đang cùng mọi người dỡ hàng từ xe xuống. Nhỏ thì bê hàng nhỏ. Bà Thu cũng làm thoăn thoắt không nghỉ tay. Thấy cảnh đó, Thùy cũng phải vào làm. Xong việc, nhìn đồng hồ đã hơn 4 giờ sáng.

Thùy thấy Tân ngủ ngay trên tấm phản trước hiên nhà, để nguyên bộ đồ đẫm mồ hôi vậy.

Hôm sau, gặp Tân ở trường, Thùy hỏi: “Bộ anh phải làm việc nhiều vậy luôn hả?”. Tân hướng ánh nhìn về phía Cúc đang vội vã bước vào trước khi cổng trường khép lại: “Có phải riêng anh đâu, ai ở nhà đó đều phải làm việc”.

Đúng vậy thật. Bà Thu không phân biệt người làm hay người nhà. Có việc là ai cũng làm. Bà Thu là cực nhất, vừa sổ sách, tiếp khách hàng, kiêm luôn việc bưng bê dỡ hàng, chất hàng lên xe đi giao cho khách. Có hôm, bà Thu còn bỏ dở việc để vào bếp nêm nếm nồi thịt kho tàu, vì người giúp việc nêm không ngon bằng bà. Rồi thì khi hàng về, dù chén cơm nâng tới miệng vẫn phải bỏ xuống đi làm cho xong đã.

Vậy cuối cùng, giàu có như nhà bà Thu có sướng gì đâu?

Những người ở trong căn nhà khang trang đó chẳng thể có một giấc ngủ thẳng cẳng như nhà Thùy. Ở nhà Thùy, công việc vườn tược có vào mùa thì cũng chỉ làm ban ngày, ban đêm vẫn có giấc ngủ tròn đầy. Những ngày trời mưa, đường rẫy trơn trượt, cả nhà không đi làm, mẹ lại bày ra nấu món gì đó cho anh em Thùy ăn. Những món ăn ngày mưa bao giờ cũng hấp dẫn trong tâm trí Thùy.

Một lần, nghe Thùy than với mẹ nhà bà Thu cực quá, mẹ gạt đi, bảo: “Phải làm như vậy mới giàu được chứ con! Thảnh thơi như nhà mình biết khi nào dư dả”.

Nói như mẹ Thùy thì hoặc là chọn thảnh thơi để nơm nớp lo nồi cơm hết gạo, hoặc làm quần quật cả ngày, có bao nhiêu tiền lại cất đi vì chẳng có thời gian hưởng thụ?

Thùy vẫn tin sẽ có một đáp án khác cho cuộc đời này.

3. Giữa đêm, bà Thu nhận cuộc gọi của khách hàng. Lập tức gọi mọi người dậy phụ đóng gói, chất hàng lên xe đi trong đêm. Bà Thu điều Tân đi cùng chuyến xe để dỡ hàng xuống. Những người ở nhà cũng chẳng sung sướng gì hơn vì phải đợi chuyến hàng cập bến trước khi trời sáng vào ngày mai.

Thùy áy náy nhìn Tân. Lúc dỡ hàng lên xe, Thùy cố tiếp cận để nhắc Tân sáng mai có thi học kỳ, sợ Tân quên.

Tân không quên, nhưng chuyến xe đi tỉnh, phụ thuộc mật độ giao thông nên trở về không đúng dự định, Tân lỡ buổi thi. Vậy mà bà Thu vẫn tỉnh queo, như thể đó chẳng quan trọng gì. Lúc Thùy đi thi về, thấy Tân ngồi trên đi-văng nhìn ra ngoài, trên tay là lon nước ngọt ướp lạnh - có lẽ là khẩu phần của những người khuân vác.

Thêm vài ngày đến lớp nữa, Tân bỏ học hẳn. Bà Thu vẫn không một lời khuyên Tân đi học lại. Với bà, bà chỉ quan tâm công việc, còn lại mọi chuyện cá nhân của mỗi người đều không đáng bận tâm. Kể cả khi người làm vì lý do gì đó rời đi, bà vẫn vui vẻ trả đủ ngày công, còn hỗ trợ thêm tiền đi lại, nên thường không ai phàn nàn gì. Vì suy cho cùng, bà Thu vẫn được tiếng hỗ trợ chỗ ở cho học sinh vùng sâu.

Tân cũng bảo: “Nhờ có chỗ ở mà anh mới được đi học tiếp. Chứ vừa lo tiền học, vừa lo tiền ăn ở nhà anh lo không xuể, nên phải biết ơn bà Thu”.

Anh nói vậy, nhưng Thùy vẫn thấy giận bà Thu nhiều hơn. Có lẽ còn vì chính bà Thu là người kéo sụp tấm màn màu hồng lấp lánh về cuộc sống giàu sang mà Thùy tự huyễn hoặc trong đầu mình.

Một ngày, đi học về Thùy nghe tin Tân đã rời khỏi nhà bà Thu. Không một lời chào với Thùy. Tự dưng, Thùy thấy trống rỗng khó tả.

Cúc đọc được ý nghĩ ấy của Thùy. Lúc cả nhà ăn cơm xong, hai đứa bưng chén xuống rửa, Cúc rủ Thùy: “Chủ nhật này, mình đi tìm anh Tân không?”. Tâm trạng Thùy từ ngạc nhiên chuyển sang vui mừng: “Cúc biết nhà anh Tân phải không?”. Cúc không gật đầu, nhưng nó nói nhất định sẽ tìm ra.

Không hiểu bằng cách nào mà Cúc đưa Thùy đến tận nhà Tân. Khi thấy bóng Cúc với Thùy, Tân lẩn trốn sau gốc cà phê sau nhà. Đến khi mẹ Tân gọi: “Tân, có bạn đến tìm kìa!”, một hồi lâu sau anh mới chịu ló mặt ra.

Hôm ấy, Tân xuống ao bắt cá đãi khách. Tự tay anh làm món cá nướng trui rất ngon. Cúc vừa ăn vừa nói cười rất vui! Tự dưng Thùy thấy hình ảnh của Cúc đẹp quá! Đúng là bà Thu có khắc nghiệt thật, nhưng Cúc vẫn đối đãi với mọi người làm trong nhà rất tử tế, và luôn xem Thùy là cô bạn ở cùng phòng. Ý nghĩ ấy của Cúc, ngay ngày đầu đã khiến Thùy cảm động. Giờ Thùy càng thêm quý mến Cúc hơn.

Lòng tốt của Cúc còn như cái neo níu giữ làm thay đổi số phận con người khi mà Tân đồng ý sẽ trở lại nhà bà Thu để tiếp tục học hết cấp 3.

4. Ký ức không bao giờ mất đi mà chỉ như một ngăn tủ được đóng lại, cho đến khi tự tay mình mở ra. Đêm ấy, Thùy chạm vào bàn tay to bè của Tân, như thể chạm vào những tháng ngày xưa cũ, trong căn nhà chỉ biết đến công việc. May sao, tia sáng duy nhất soi lối cho cả hai người trong bóng đêm chính là Cúc.

Tân nói vời Thùy: “Dù gì cũng nhờ ở nhà bà Thu mà anh mới gặp em!”. Câu nói ấy của Tân để chốt lại vấn đề, cả hai sẽ trở về nhà bà Thu để tiễn biệt bà lần cuối.

Thùy thì nhận ra rằng, nhờ quãng thời gian ở trong nhà bà Thu để cô nhận ra, không phải giàu có là chọn lựa duy nhất. Ai cũng có thể cảm thấy mình đủ đầy, giàu có khi biết hài lòng với hiện tại. 

Xe chuyển bánh. Quãng đường 200km không quá dài, nhưng mãi hơn hai mươi năm Thùy mới trở lại.

Cô thức giấc giữa tiếng còi khi xe rời cao tốc vào khu dân cư. Từ dốc cao, thị trấn hiện ra trước mắt trong màu nắng mới, tinh khôi.

Truyện ngắn của: LA THỊ ÁNH HƯỜNG

 
;
.