Thương gửi miền Trung

Thứ Sáu, 23/10/2020, 20:06 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tin lũ lụt tang thương dồn dập dội về từ “khúc ruột miền Trung” những ngày vừa qua khiến trái tim người dân cả nước nhói đau. Mẹ mất con, vợ mất chồng, tuổi thơ mồ côi. Chỉ thoáng chốc, bao công sức lao động vất vả của người dân hiền lành, chịu thương chịu khó bỗng chốc trắng tay. Miền Trung thường được ví như chiếc đòn gánh của Tổ quốc, để “cân sức” cho hai đầu Nam Bắc cùng phát triển kinh tế, văn hóa. Vì thế, hình ảnh Miền Trung trong thi ca cũng mang đậm nét kiên trung, tảo tần và và đậm sâu tình cảm…

“Quê tôi miền Trung

Nơi quanh năm trập trùng bão lũ

Những mẹ già xót xa mùa vụ

Cha bạc đầu giấc ngủ không yên”

(Miền Trung quê tôi - Huỳnh Minh Nhật)

Ca sĩ Thủy Tiên đến tận nơi cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lịch sử này.
Ca sĩ Thủy Tiên đến tận nơi cứu trợ đồng bào miền Trung trong đợt lũ lịch sử này.

MÙA NẮNG KHÔ CẰN MÙA MƯA LẮM BÃO DÔNG

Chẳng biết từ bao giờ, người ta hay nói tới câu “Sống chung với lũ” như ám chỉ cuộc sống chống chọi với thiên tai của người dân vùng lũ đã trở thành bình thường. Người dân miền Trung đã quen thuộc với cảnh “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ” vì “Trời hành cơn lụt mỗi năm”:

“Tôi sinh ra trên dải đất miền Trung

Mùa nắng khô cằn mùa mưa lắm bão dông

mẹ cha tôi quanh năm trên đồng ruộng

Tần tảo nuôi con mong sao con học thành tài…

Rồi một hôm giông bão kéo về

Gió liên hồi giật đổ mái nhà tôi

Miền Trung thêm chìm trong gian khổ

Mưa nước dâng mưa ngập bao mái nhà.

Miền Trung ơi ơi miền Trung ơi

Chẳng năm nào mà không có bão giông

Người miền Trung vẫn âm thầm chịu đựng

Sau bão giông lại lo cấy cày”

(Tình người miền Trung-Vũ Đức Hạnh)

Cũng từ mảnh đất miền Trung đã tạo nên tính cách người miền Trung cần cù, chất phác, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh. So với hai miền Nam và Bắc, thì kinh tế miền Trung phát triển chật vật hơn bởi đặc điểm thiên nhiên khắc nghiệt:

“Miền Trung quê tôi, bao mái nhà xơ xác tiêu điều

Miền Trung quê tôi, bao gia đình người thân li tán

Miền Trung quê tôi, không còn êm ấm như mọi ngày

Không còn bữa cơm bình yên, chỉ còn nơi đây gió mưa thét gào”

(Miền Trung quê tôi - Thuyết Quang)

Miền Trung mặn đắng nước mắt bi thương trong mùa lũ lịch sử tháng 10/2020 này. Nỗi đau Rào Trăng chưa kịp vơi thì lại ập đến nỗi đau Hướng Phùng, khiến người dân cả nước thêm lần nữa bàng hoàng, thảng thốt.

“Trông mẹ khóc oằn mình con đất lấp

Ngó cha vạch mái nhà

đờ đẫn nhận gói mì

Nhìn em nấc khản chờ chồng đương cơn đỉnh lũ

Xót những nóc nhà trôi trên sóng nhấp nhô

Những đỏ ngầu lạnh lẽo đào rừng xói núi

Trùm những người con kiên trung

Nuốt bao làng mạc hiền hòa

Cho tôi xin trăm bó hương thơm khói lan trên nước

Cho tôi thắp miền Trung uất nghẹn trong lòng”

(Tượng sóng-Phan Đình Minh)

TÌNH NGƯỜI TRONG BÃO LŨ

Thương cho khúc ruột miền Trung những ngày qua tan hoang sau trận lũ lịch sử năm nay. Mất mát to lớn về người, về của. Những hình ảnh và tin tức cập nhật từng phút làm mọi người dân đất Việt ở bất cứ nơi đâu cũng quặn thắt nỗi đau.  Rất nhiều tấm lòng nhân ái trên khắp mọi miền đất nước lặn lội về nơi rốn lũ để sẻ chia, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” ở các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…

“Mẹ hiền non sông nhìn đàn con

Đau xót nén sâu dòng huyết lệ

Muôn cánh tay chung vòng tay ấm

Áo cơm chia sẻ cả tấm lòng.

Bão tố rồi sẽ qua mau

Tình người còn cao đẹp mãi

Bão tố không sờn, Miền Trung bất khuất

Nặng gánh hai đầu, thương quá Miền Trung ơi!”

(Thương quá miền Trung ơi!-Nguyễn Quang Thắng)

Đồng bào cả nước Việt vẫn luôn hướng về mảnh đất này với tên gọi trìu mến “miền Trung ruột thịt”. Phải kể đến những văn nghệ sĩ, những người vốn “chân yếu tay mềm” quen đứng trước ánh đèn sân khấu nay xông pha đầu sóng, ngọn gió về tận miền thác lũ để tận tay cứu trợ đồng bào miền Trung như ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Hòa Minzy, MC Trấn Thành, nghệ sĩ Hoài Linh… Và các đêm nhạc từ thiện lại tiếp tục được tổ chức khắp nơi để quyên góp cho miền Trung.

“Ai xuôi về miền Trung mà nghe tiếng than trong lòng,

ai có vế miền Trung thăm bà con đang sống trong khổ đau,

nhà tan người mất điêu tàn lũ vừa đi qua quét sạch ngôi làng thân yêu.

Qua bao đời xưa nay miền Trung mưa lũ tháng ngày,

qua bao đời hôm nay miền Trung vẫn hứng chịu thiên tai,

thương người như thể thương than lá lành đùm lá rách

một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

(Nước mắt miền Trung-Thiên Trường)

Trong sự cuồng nộ của thiên nhiên và thêm cả “sự cố” từ chính con người. Ngoài nguyên nhân chính là các trận mưa bão ở miền thượng lưu cũng như ở đồng bằng, còn có nhiều lý do thường được nhắc đến như nạn phá rừng, việc khai thác cát sỏi và hệ thống đê đập.

Rồi ngày mai bão sẽ qua. Đau thương sẽ vơi dần theo thời gian. Miền Trung sẽ ngẩng cao đầu vượt qua gian nan, khắc nghiệt của khí hậu xứ này, và con người miền Trung cũng vậy, luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ chính vì điều đó mà người ta hay ví hoa cúc vạn thọ là loài hoa tượng trưng cho tính cách người miền Trung: Rực rỡ sắc hương, dễ trồng, dễ ra hoa mà hoa lại lâu tàn:

“Miền Trung quê tôi đồng lúa xanh bay thẳng cánh cò

Người dân miền Trung qua bao đời dãi nắng dầm mưa

Nhiều lần trời gieo bao đau thương mưa bão bao ngày

Vẫn mang trong lòng một niềm tin vượt khó kiên cường”

(Khúc ruột miền Trung-Lý Hào Nam)

VŨ THANH HOA

 
;
.