Chuyện người ta, xía vô làm chi?

Thứ Bảy, 15/02/2020, 08:30 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy hôm nay, ngoài trời se lạnh. Đi xuống phố phải khoác thêm áo ấm như một cách chưng diện. Cái lạnh khiến con người ta lười biếng làm việc, nhất là lúc bóng chiều ngả dần. Ngồi bó chân trong nhà nhìn ra ngoài đường, tôi cầm điện thoại mà mong ngóng chờ tin nhắn, điện thoại của bạn bè. Bằng không, mình chủ động vậy. Đúng rồi, lúc này có ai rủ ra quán nhâm nhi một chút thì còn gì thú hơn?

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Cầu được ước thấy. “Thế nào? Làm chút gì cho ấm nhé. Tớ vừa lãnh lương. Nhớ rủ B. đi luôn”, nghe tiếng nói lanh lảnh của bạn, tôi vui quá, gật đầu ngay. B. là ai? Bạn bè chí cốt thiệt, không chỉ rủ mỗi mình mà còn rủ thêm cả cô người yêu của mình nữa. Vậy, tôi diện thật kẻng, xách xe qua nhà B và chở đến quán đã hẹn. Khỏi phải nói gì thêm, suốt buổi hôm ấy câu chuyện rôm rả lắm. 

Do lâu ngày không gặp nhau nên chúng tôi có nhiều chuyện tâm sự, tha hồ tán hươu tán vượn. Trong lúc cả hai say sưa chuyện trò, B. khi lẳng lặng ngồi nghe, rồi có lúc gợi câu hỏi cho bạn để tìm hiểu về người yêu cũ của tôi. Dù gì B. cũng là người đến sau, cô không thể biết hết mối quan hệ trước của người yêu tôi.

Nhiều phụ nữ thật lạ, họ cứ nghĩ biết càng nhiều quá khứ đó càng tốt. Tâm lý này, bình thường thôi. Chẳng phải tò mò gì đâu, đơn giản chỉ vì B. muốn biết “thành tích” của tôi ra sao đấy thôi. Một khi đã biết, họ mới có thể “kiểm tra” được người của mình có rơi vào tình trạng “tình cũ không rủ cũng đến”? Hoặc có còn léng phéng, tơ tưởng “người xưa” hay không? 

Mà này, với anh em bạn bè, một khi “nửa kia” hỏi đến chuyện riêng tư ấy, cách tốt nhất mình cứ đánh trống lảng. Vì rằng, mối quan hệ trong quá khứ ấy sâu đậm ra sao, nay đã thế nào thì mình khó có thể biết, do đó, cứ im lặng cho nó lành. Khổ nỗi, bạn tôi không nghĩ thế. Khi nghe B. hỏi, hắn liền oang oang: “Ối dào, người yêu của em xưa kia nổi danh “sát nữ đại hiệp” đấy”. Nghe sự “bật mí” ấy hấp dẫn quá, B. dỏng tai nghe và hỏi tới tấp: “Thế à? Vậy à? Kể đi anh”. 

Lúc đó, tôi phải làm sao? Chẳng lẽ bịt mồm bịt miệng của bạn? 

“Đấy, em xem cái đồng hồ bạn anh đeo trên tay có xịn không? Cô Y. tặng lúc mừng sinh nhật đó. Chưa hết đâu, cả đôi giày đang mang, nếu anh nhớ không nhầm thì cô Z. tặng cách đây nửa tháng. Rồi ai nữa nhỉ? À, em có biết ca sĩ X. không? Hai người đã từng thắm thiết như trong tiểu thuyết ngôn tình”, cứ thế, hắn ta khai ra tuốt tuồn tuột. Khổ nổi, hắn nói đúng mới phiền toái làm sao. Thế là cuộc gặp mặt lai rai đang bàn chuyện trên trời dưới biển, vô thưởng vô phạt bỗng… loạn xị cả lên. 

Tận tai nghe những tiết lộ “chết người” đó, tất nhiên tôi phải cãi lại cho bằng được. Cãi là nhằm chứng minh mình chẳng còn quan hệ dây mơ rễ má gì với các người đẹp ấy nữa, họ đã thuộc về dĩ vãng. Có thế mới yên thân, bằng không, lúc rời khỏi quán thì “biết nhau ngay”. Nói như thế, vì không ít người suy nghĩ rằng, một khi đã đến với nhau thì những gì “người của mình” đang sở hữu có dấu tích của chuyện tình trong quá khứ, phải xóa sạch. Ấy cũng là một cách xác lập “chủ quyền” mới, chớ có tơ với tưởng gì nữa.

Những vật dụng cụ thể ấy, chẳng tội tình gì nhưng rồi cũng có lúc vạ lây là vậy. Rằng, sau khi cưới nhau, bỗng một ngày kia anh chàng nọ đâm ra oán ghét các bức tranh của vợ đã sưu tập. Bấy lâu nay, các tranh ấy vẫn treo trên tường, ai cũng khen đẹp và ngay cả gia chủ cũng thế. Hễ bạn bè ghé chơi nhà, chàng đều khoe: “Xem thích quá phải không? Bà xã mình có con mắt mỹ thuật nhỉ?”. Thế tại sao, bây giờ chàng lại muốn tháo xuống, xếp vào xó nhà, thậm chí ai thích thì cho luôn. Chàng muốn tống khứ “của nợ” này cho rảnh mắt. 

Tại sao thế?

Dăm hôm trước, trong cuộc họp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường, các bạn học cũ về chung vui đông đúc, chan hòa, thân tình, vui vẻ. Tình cờ chàng gặp lại Thu - vốn bạn học chung với bà xã thời sinh viên. Qua câu chuyện hỏi han, chàng mới biết rằng, các bức tranh đó là do R đã vẽ tặng. Chà, tay này quá nổi tiếng và tranh bán cả ngàn đô chứ chẳng đùa. Một chi tiết khiến chàng giật thót người, bấy lâu tưởng vợ mua, nào ngờ lại được tặng. “Ơ hay, sao R. lại tặng cho vợ mình?”, với thắc mắc ấy, chàng dò hỏi khéo léo thì Thu “bật mí” về tình riêng của hai người thời sinh viên!

Những chi tiết nhỏ đã thuộc về cổ tích xa lắc xa lơ, nếu bạn tôi hoặc Thu không kể lại thì chẳng ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới”. Mà thật ra, cũng chẳng cần phải nhắc lại, kể lại làm gì? Một khi nó đã lọt vào tai người mới/người đến sau thì lại sinh ra rắc rối chẳng đáng.

Từ cuộc nhậu “lai rai gì cho ấm nhé”, tôi tự nhủ: “Nếu biết thế, hôm trước mình đừng chở B. đi chung thì tốt quá. Cái miệng ăn mắm ăn muối của bạn mình hại mình quá chừng rồi”. Câu than phiền này còn kéo dài đến bao giờ? Biết lỗi vì cái thói tọc mạch của mình, bạn tôi điện thoại cho B. tôi cũng gọi điện thoại phân trần với B. nhưng rồi lần nào cũng nghe câu: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin vui lòng gọi lại sau”.

LÊ MINH QUỐC

;
.