Khúc tháng Giêng

Thứ Bảy, 08/02/2020, 08:05 [GMT+7]
In bài này
.

Văn hóa Việt ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo nên vào những ngày đầu xuân, mọi người lại nô nức đi chùa, lễ Phật, cầu mong Phật phù hộ độ trì để quanh năm bình an, thịnh vượng và cũng tin rằng những lời thành tâm ấy được chứng giám. Có rất nhiều áng thơ hay từ cổ chí kim ngợi ca nét đẹp văn hóa này, và những áng thơ ấy khi được âm nhạc chắp cánh, được những giọng ca hàng đầu thể hiện càng lan tỏa hơn đến trái tim mỗi người dân đất Việt.

Đi Lễ Chùa đầu năm (Ảnh minh họa).
Đi Lễ Chùa đầu năm (Ảnh minh họa).

THÁNG GIÊNG AN NHIÊN

Tháng Giêng là tháng bắt đầu của mùa xuân, của mùa lễ hội, là lúc cửa chùa rộng mở để đón muôn người xa gần đến cầu may, cúng lễ. Có người cầu lộc, cầu phúc, cầu duyên… Giữa những sắc hương vừa rực rỡ vừa e ấp ấy, cơn mưa xuân mỏng manh đã đi vào thơ cùng sương khói mơ màng của thiên nhiên, của nén tâm nhang kì bí và cuộc hạnh ngộ khiến lòng người xao xuyến:

“Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời/… Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ/ Tháng giêng mưa dưới bến/ Mỏng mai cô lái đò/ Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ…” (Mưa tháng giêng - Nguyễn Việt Chiến).

Trong các bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có lẽ Mưa tháng giêng là bài thơ tôi thích nhất ngay khi tôi đọc lần đầu tiên và theo chủ quan của tôi thì ít có bài thơ nào về tháng Giêng hay hơn. Tạp chí Văn hóa bàn về bài thơ Mưa tháng giêng như sau: Riêng đối với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, có lẽ không có miền nào ở Việt Nam lại có cái tiết mưa xuân trong tháng Giêng đặc trưng như Bắc Bộ. Đó là một bức tranh mưa xuân mỏng manh đầy sương khói, nhưng cũng lồng ghép hơi thở của thiền định, xuyên qua những xúc cảm chân thành của nhà thơ trước thiên nhiên vạn vật, bằng ngôn ngữ văn học miêu tả chắt lọc. “Tháng giêng ngày mỏng quá/ Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/ Nỗi niềm mưa xót rơi… Tháng giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/ Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình - sương khói thôi” ( Nguyễn Việt Chiến). Mưa tháng giêng đã được nhạc sĩ Việt Hùng phổ nhạc thành bài hát cùng tên và được thể hiện xuất sắc qua giọng ca Trần Thu Hà, rất tiếc có một vụ lùm xùm về bản quyền bài hát nhưng sau cùng thì người nghe vẫn nhận được một tuyệt phẩm về thơ - nhạc đặc sắc.

Ngoài ra, còn rất nhiều bài thơ về tháng Giêng được phổ nhạc và được mến mộ như Khúc tháng giêng (Thơ: Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức): “Tháng giêng. người/ đỉnh gió/ suối sâu, nguồn an nhiên/ hồn tôi ai tịch biên?/ trái tim đầm thao thiết/ chúng ta rồi chia tay/ tháng giêng còn ở lại/ thánh thần rời hai vai/ nhường ngôi người cứu rỗi/ em lầm than một thời/ chuộc tôi. lần nữa. nhé.” (Du Tử Lê); Tháng Giêng và anh (Thơ: Nguyên Sa, nhạc: Ngô Thụy Miên): “Tháng Giêng và anh vươn vai và mở cửa/ Trời trên cao, em cũng ở trên cao/ Tháng Giêng cho anh một nụ hoa đào/ Anh gởi cho em một trời mộng tưởng... Tháng Giêng và anh rủ nhau ngồi dưới phố/ Tô môi hồng xin nhớ cánh sen non/ Tháng Giêng chờ một chút lượng xuân em/ Nụ cười đó, anh chờ xuân vĩnh viễn” (Nguyên Sa).

BỒNG BỀNH CÕI PHẬT

Những người yêu nhạc Việt hẳn biết đến bài hát “Em đi Chùa Hương” của nhạc sĩ Trung Đức, phổ từ bài thơ Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp: “Hôm nay đi Chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo giải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao…” (Nguyễn Nhược Pháp)

Bài thơ dài 34 khổ 136 dòng, lấy cuộc gặp gỡ lý thú của tác giả với cô gái quê ở Chùa Hương trở thành giai thoại nên thơ. Điều đặc biệt là dưới tên bài thơ, Nguyễn Nhược Pháp mở ngoặc đơn dòng chữ “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”: “Ngun ngút khói hương vàng/Say trong giấc mơ màng/Em cầu xin Giời Phật/Sao cho em lấy chàng” (Nguyễn Nhược Pháp).

Không thể không nhắc đến một tuyệt phẩm thơ - nhạc khác cũng về đi Lễ Chùa đó là Chiều Phủ Tây Hồ, thơ Thái Thăng Long được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Thái Thăng Long vốn là thi sĩ lừng danh với những áng thơ về Hà Nội. Chiều Phủ Tây Hồ độc đáo bởi vẻ đẹp sang trọng, linh thiêng, huyền ảo. Cảm nhận về cõi thiêng cũng để cảm nhận về cõi thực bằng sự tĩnh lặng, thong thả để nhìn sâu hơn vào bản thể của chính mình: “Mênh mông sương khói/ Hồ Tây sóng vỗ Phủ Tây Hồ/ Huyền thoại và giấc mơ/ Chầm chậm lễ chùa cùng em cung kính/ Tượng Phật trang nghiêm Bà Chúa Liễu/ Em khói hương thanh thản một phần đời/ Ta khói hương để khỏi chơi vơi” (Thái Thăng Long).

Thực hư hòa quyện tựa như phần hồn và phần xác mỗi người không thể tách rời. Không gian, thời gian như đang ngưng đọng để trầm tư mặc tưởng, để tĩnh tại hơn trước mọi xô bồ của thế nhân: “Chắp tay lạy những Thánh nhân trời đất/ Khói hương rủ lòng mình bồng bềnh cõi Phật/ Trời xa xanh tiếng hạc trắng kêu hoài/ Những giấc mơ tiếc lắm ban mai/ Những khát vọng phía chân trời xa thẳm/ Những nỗi buồn gieo neo chiều vắng/ Thanh thản bên em trước thềm điện đời thường” (Thái Thăng Long).

Cửa Phật rộng mở  đón nhận tất cả những nguyện ước của mỗi người, không phân biệt sang hèn, người thành công thì đến tạ ơn, người thất bại thì đến tạ lỗi, để mong được thanh thản nhẹ nhàng, bình an khi trở về. Khi đã bước chân vào chốn thiền môn, những hơn thua, sân si... đều phải xả bỏ bên ngoài chỉ còn giữ lại một tâm thức thành kính, trong sạch, là nơi để gột rửa và phục sinh cho những tháng ngày nối tiếp như tinh thần của câu ca dao xưa:

“Mỗi người một nước, một non,

Tới cửa nhà Phật như con một nhà”.

VŨ THANH HOA

;
.