Không để xảy ra thiếu hàng hóa dịp Tết

Thứ Bảy, 05/12/2020, 07:37 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết.

Theo quy luật vào những tháng cuối năm thị trường tiêu dùng hàng hóa sẽ sôi động, khi người dân tập trung thu nhập tích lũy trong năm vào việc chi tiêu mua sắm hàng Tết. Tuy nhiên, năm nay sức mua của người dân sẽ không tăng nhiều như năm ngoái do dịch COVID-19

đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, thu nhập của người dân giảm mạnh. Theo thông tin từ các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, doanh số bán hàng từ đầu năm đến nay giảm từ 30-50% so với thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh. Tình hình tiêu thụ thịt heo, gà, bò, hải sản cũng giảm từ 30- 40% so với cùng kỳ năm 2019. Sức mua yếu đã khiến cho quy mô kinh doanh tất cả các mặt hàng đều thu hẹp.

Dự kiến giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu những tháng cuối năm nay tăng khoảng 15% so cùng kỳ năm trước, tùy mặt hàng và tập trung vào tháng 12 âm lịch. Dự báo trước ngày 23 Tết, giá các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết có thể tăng bình quân từ 10% và sau ngày 23 Tết đến sáng ngày 29 Tết, giá các mặt hàng tiêu dùng có thể tăng bình quân từ 5% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng thịt heo được dự báo sẽ tăng giá nhẹ khoảng 5-10% vào dịt Tết Nguyên đán do giá thịt heo hiện đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, dịch tả heo Châu Phi đã được khống chế nên các hộ chăn nuôi tích cực tái đàn.

Trước thực tế trên và trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã triển khai sớm kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, trong đó có các mặt hàng thiết yếu phục vụ những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu. Cụ thể là đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Đồng thời theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Phối hợp với Sở NN-PTNT và các sở, ban, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến của dịch tả heo châu Phi để chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung thịt vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021; tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

Sở Công thương cho biết sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan bảo đảm  đầy đủ, thường xuyên về số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân những tháng cuối năm 2020, trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa lưu thông trên thị trường; có phương án chủ động phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng hóa bảo đảm về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm, giá cả phải niêm yết công khai, bán hàng theo đúng giá niêm yết. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

PHƯƠNG ANH

;
.