Thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ phát triển

Thứ Tư, 02/12/2020, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 3/12, sự kiện “Kết nối cung - cầu công nghệ BR-VT năm 2020” do UBND tỉnh BR-VT phối hợp Bộ KH-CN tổ chức chính thức khai mạc tại TP.Vũng Tàu. Sự kiện thu hút 150 đơn vị đến từ các DN, cá nhân trong cả nước tham gia triển lãm gần 400 công nghệ, thiết bị thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghiệp 4.0, xử lý chất thải - môi trường, giải pháp tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo… Sự kiện này cũng được kỳ vọng là cầu nối để thị trường cung - cầu công nghệ gặp nhau, đưa các sản phẩm KH-CN nhanh chóng tiếp cận các DN, nhà sản xuất, đồng thời cung cấp thông tin, nhu cầu đổi mới công nghệ của DN đến các nhà khoa học của BR-VT nói riêng và cả nước nói chung.

Hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ được xem là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường KH-CN. Qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp; thực hiện hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ và tiếp cận với các quỹ đầu tư, kênh tài chính trong nước và quốc tế; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn... Trên thực tế, việc hợp tác chuyển giao công nghệ đã góp phần quan trọng tạo điều kiện hình thành các DN KH-CN, hình thành thị trường các sản phẩm KH-CN cũng như thúc đẩy tư duy mạnh dạn hợp tác giữa các nhà khoa học và DN. Nhận thức rõ điều này, tại BR-VT, ngoài việc đẩy mạnh các chương trình hội thảo, giới thiệu, trình diễn những sản phẩm, công nghệ mới, từ năm 2016, sàn giao dịch công nghệ trực tuyến của BR-VT đi vào hoạt động được xem là định chế trung gian quan trọng bậc nhất nhằm phát triển thị trường KH-CN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Thông tin từ Sở KH-CN cho thấy, đến nay sàn giao dịch đã thu hút hơn 800 nhà cung cấp với khoảng 3.000 sản phẩm chào bán, 275 tổ chức và chuyên gia tư vấn đăng ký tham gia.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác phát triển thị trường KH-CN vẫn còn gặp những khó khăn. Việc hợp tác chuyển giao còn nhiều hạn chế, nghịch lý nhiều năm vẫn tồn tại là cung và cầu công nghệ vẫn chưa gặp nhau. Mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, nhà khoa học với DN còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Thậm chí, các tổ chức trung gian cũng chưa đủ mạnh có thể kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, các DN KH-CN, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các viện nghiên cứu. Nhiều công trình có tính ứng dụng cao chưa tìm được DN để chuyển giao...

Do đó, tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông thị trường KH-CN đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Ưu tiên hàng đầu là cần có chính sách hỗ trợ DN đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường KH-CN; thúc đẩy các chủ thể tham gia phát triển thị trường KH-CN, đặc biệt là hình thành, phát triển các tổ chức trung gian (như sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ…).  Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết có hiệu quả giữa các trường học đại học, các tổ chức KH-CN, DN KH-CN và cộng đồng DN; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn đổi mới công nghệ… Có như vậy, thị trường KH-CN của tỉnh mới phát triển theo hướng hiện đại, “bắt nhịp” với bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

 NGÔ GIA

;
.