Nối những bờ vui

Thứ Tư, 05/08/2020, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tin tại kỳ họp thứ 17, khóa VI, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây cầu Phước An với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng đã làm nức lòng bao người dân BR-VT. Bởi lẽ, dự án cầu Phước An có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), qua đó kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của BR-VT nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Tính đặc biệt quan trọng của cầu Phước An còn ở chỗ sẽ giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 51 và các tuyến đường khác. Ngoài ra, từ cây cầu này sẽ hình thành một tuyến vận tải xuất phát từ nhóm cảng biển số 5 đi thẳng châu Âu và hai bờ Đông, Tây nước Mỹ.

Lâu nay, có một nghịch lý tại Cái Mép - Thị Vải là mặc dù tàu mẹ đưa hàng đi và đến cập nhiều nhưng chủ yếu được thông quan tại TP.Hồ Chí Minh. Đã đi vào hoạt động 10 năm qua nhưng hệ thống cảng biển container nước sâu Cái Mép - Thị Vải chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Lý do là ngoài việc logistics yếu thì hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ là “rào cản” lớn nhất khiến Cái Mép – Thị Vải chưa khai thác hết lợi thế vốn có. Nhiều DN xuất nhập khẩu khẳng định, nếu có giao thông hạ tầng kết nối tốt, chắc chắn Cái Mép - Thị Vải sẽ nhộn nhịp hơn.

Do xác định tầm quan trọng của dự án nên từ năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, trong đó chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án thực hiện đường liên cảng dài khoảng 19,65km với điểm đầu là cảng container Cái Mép hạ, điểm cuối là phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ. Giai đoạn 2, dự án đầu tư cầu Phước An vượt sông Thị Vải, nối phường Mỹ Xuân với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Hiện tại giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Giai đoạn 2 chưa được triển khai do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và chỉ chờ cầu Phước An là có thể nối tiếp vào cao tốc Bến Lức - Long Thành để hình thành một con đường nối từ miền Tây lên thẳng Cái Mép.

Thế nhưng từ hơn 10 năm qua, dự án cầu Phước An gặp nhiều vướng mắc, trở ngại. Cụ thể, trước đây chủ trương để xây cầu Phước An là bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư. Đến năm 2018, UBND tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), chuyển sang hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Quá trình triển khai cầu Phước An bằng ngân sách nhà nước lại gặp khó về hướng tuyến của cầu vì liên quan đến đất, quy hoạch của phía Đồng Nai. Cuối tháng 5/2020, trước khi chủ trì hội nghị phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vị trí xây cầu. Tại buổi thị sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự án cầu Phước An là công trình trọng điểm, có vai trò quan trọng trong sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó, cần phải tập trung nguồn lực để xử lý. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tháng 7/2020, lãnh đạo BR-VT và Đồng Nai đã làm việc với Bộ trưởng Bộ GT-VT để tháo gỡ vướng mắc. Ngay sau đó, Bộ GT-VT cũng đã có văn bản kết luận về vị trí xây cầu Phước An.

Như vậy, cùng với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải; đường 991B; Quốc lộ 56 tuyến tránh TP.Bà Rịa; đường Long Sơn - Cái Mép; đường sau Cảng Mỹ Xuân - Thị Vải, dự án cầu Phước An vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì đường vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã được mở bung, tạo tiền đề cho sự phát triển đột phá. “Đường nối mạch, đất sẽ vượng”, giao thương thuận lợi sẽ tạo động lực để các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng và KCN, định hình dần trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á cho BR-VT, đưa kinh tế, dịch vụ của tỉnh tăng tốc mạnh mẽ trong tương lai gần.

NGÔ GIA

 

 

;
.