Mở cánh cửa tri thức

Thứ Sáu, 21/08/2020, 21:58 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi không nhớ lần cuối cùng mình đến thư viện là thời điểm nào và vì lý do gì. Nhưng thật may, thói quen đọc sách thì tôi vẫn giữ được, dù không nhiều và thường xuyên như trước. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, tôi thường đọc vài chục trang sách. Có khi đó là cuốn tiểu thuyết lãng mạn của nền văn học nước ngoài, hoặc tuyển tập truyện ngắn, đôi lúc là sách khoa học, lịch sử. Nhưng gần đây, tôi buộc mình phải đọc sách nhiều hơn là bởi vì lý do muốn truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách cho đứa con gái đang độ tuổi mới lớn của mình. Tôi tranh thủ đưa con đi nhà sách, đường sách. Tôi muốn con bớt xem mọi thứ trên mạng xã hội, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ giải trí di động và quay sang đọc sách nhiều hơn. Điều đáng mừng là việc làm của mình đã có nhiều tác động tích cực, lâu lâu con gái lại nhắc tôi dẫn đi nhà sách.

Nhiều phụ huynh thường phàn nàn và cảm thấy khó khăn, thậm chí bất lực khi không tìm ra cách nào để con trẻ yêu sách và đọc sách nhiều hơn. Thống kê của các nhà quản lý cũng cho thấy, bình quân mỗi người Việt Nam chỉ đọc trên dưới 1 cuốn sách/năm. Con số này được nhắc nhiều trong thời gian qua với nhiều lo ngại về sự giảm sút của văn hóa đọc.

Ai cũng biết sách là người bạn đường không thể thiếu để phát triển tâm hồn trí tuệ của mỗi người. Sách giúp hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, giúp hoàn thiện bản thân và các kĩ năng sống khác… Do đó, duy trì thói quen đọc sách, hay nói rộng hơn là phát triển văn hóa đọc sẽ giúp điều chỉnh xu hướng giải trí cho mỗi người, hình thành thói quen lành mạnh trong quá trình định hình nhân cách. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không ngừng nỗ lực xây dựng và duy trì văn hóa đọc. Đáng mừng là những năm gần đây, việc đọc sách đã có nhiều cải thiện. Điều này được chứng minh bởi lượng sách xuất bản tăng lên trung bình 20%/năm, số bản sách cũng tăng lên 50%. Những thư quán, những lễ hội sách, đường sách… góp phần xây dựng, hình thành văn hóa đọc dựa vào cộng đồng. Các mô hình như câu lạc bộ yêu sách, các tủ sách trong nhà trường, gia đình... cũng nở rộ ở nhiều nơi.

 Để phát triển văn hóa đọc, mới đây UBND tỉnh cũng đã phê duyệt “Đề án phát triển văn hóa đọc tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Giải pháp được đặt ra là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng phát triển văn hóa đọc; xây dựng thói quen, kỹ năng và phương pháp đọc; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc xây dựng, phát triển hệ thống thư viện công cộng hiện đại, phát triển thư viện trường học, đa dạng hóa các dịch vụ thư viện. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa khuyến khích đầu tư cho phát triển văn hóa đọc; mở rộng hợp tác giao lưu trong các lĩnh vực xuất bản, thư viện, các hoạt động văn hóa liên quan đến phát triển văn hóa đọc...

Nỗ lực của các cơ quan quản lý cho thấy văn hóa đọc đang ngày được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, bên cạnh tạo dựng không gian lôi cuốn kéo người đọc đến với sách ngày một nhiều hơn thì không thể không nhắc đến vai trò quan trọng nhất vẫn là xây dựng văn hóa đọc từ trong mỗi gia đình, trường học. Kinh nghiệm cho thấy, với những người ngay từ nhỏ đã quen đọc sách và lớn lên trong môi trường khuyến khích đọc sách thì có lẽ hình thành văn hóa đọc, chẳng có gì là khó.

LAM GIANG

;
.