Ngăn chặn bạo lực học đường

Thứ Hai, 15/06/2020, 22:12 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường. Vấn nạn này đã để lại những hậu quả đau lòng cho xã hội và gây ảnh hưởng nặng nề tới cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Đơn cử như ngày 20/5, tại tỉnh Long An xảy ra vụ việc phụ huynh xông vào lớp, dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu cô giáo chủ nhiệm lớp 1/1 của Trường tiểu học và THCS Lộc Giang (ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, H.Đức Hòa) khiến cô giáo phải đi cấp cứu.

Cũng trong ngày 20/5, tại tỉnh Ninh Thuận, do mâu thuẫn, một học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP. Phan Rang) dùng dao đâm bạn bị thương ngay trong sân trường.

Những vụ bạo lực học đường do trẻ gây ra hay là nạn nhân một phần là do thiếu kĩ năng trước những hoàn cảnh bạo lực cụ thể. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc bạo lực xảy ra ở trong và ngoài nhà trường là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận HS hiện nay. 

Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là các em HS chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống; sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi cũng có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiểm soát. Một trong những nguyên nhân không thể không kể đến đó là do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực. 

Để ngăn chặn các vụ bạo lực học đường tiếp tục xảy ra trong thời gian tới phải có những giải pháp thiết thực. Cụ thể là về phía các bậc phụ huynh cần là những người bạn đồng hành của con cái. Ngoài việc chú trọng đến kết quả học tập của con thì chú ý đến việc các em nghĩ gì hay cách xử sự của con với bạn bè. Với nhà trường cần chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục, coi trọng việc xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện. Đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức, khơi dậy ý thức nhân văn trong HS bằng nhiều hình thức như tổ chức cho các em đi trải nghiệm thực tế, tặng quà tại các trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật, nhà dưỡng lão; hỗ trợ bạn gặp khó khăn... Nắm bắt diễn biến tâm lý, kịp thời hóa giải để phòng ngừa những va chạm, mâu thuẫn và hỗ trợ, định hướng cho HS nhận thức, ứng xử đúng.

Nhà trường cũng cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt biểu hiện của HS. Đối với một số HS cá biệt, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, điều hướng các em vào phong trào của lớp, tránh sự phân biệt đối xử.

Ngoài ra, bộ phận chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể hay lực lượng công an cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối ưu vai trò của mình trong hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường.

 PHƯƠNG ANH

;
.