Cuộc chiến không khoan nhượng

Thứ Ba, 09/06/2020, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Cứ mỗi lần Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ, người dân trong cả nước lại chú ý theo dõi, đặt nhiều kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Cuộc họp của Thường trực BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 26/5 vừa qua cũng mang ý nghĩa đó. Người dân cả nước đã đồng tình, phấn chấn khi được biết đến hết năm 2020, Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thành đúng tiến độ điều tra, truy tố,  xét xử các vụ án, xác minh, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế. Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh 5 vụ án lớn: Vụ án “Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường; Vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), BQL đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP. Hồ Chí Minh và vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.  

Rồi đây, qua 5 vụ án lớn lần lượt được đưa ra xét xử, người dân cả nước sẽ có dịp nhìn rõ chân tướng, thủ đoạn câu kết, móc nối, bòn rút của các cá nhân, đơn vị qua từng vụ việc. Đó là những quan chức Nhà nước, quản lý DN cố tình vi phạm nguyên tắc tài chính, kỷ luật của Đảng, hối lộ, tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái về quản lý vốn gây hậu quả nghiêm trọng…

Người dân đặc biệt chú ý theo dõi không chỉ vì đó là những vụ án lớn mà hơn thế nóng lòng chờ đợi thái độ kiên quyết của pháp luật đối với tệ tham nhũng đang được xem là quốc nạn ở nước ta. Ngoài ý nghĩa luật pháp, giáo dục, những vụ án được đưa ra xét xử sắp tới còn cho chúng ta một bài học lớn về công tác tổ chức cán bộ. Từ lâu, công tác tổ chức cán bộ đã từng được khẳng định là khoa học của khoa học vì nó liên quan trực tiếp đến con người, yếu tố quyết định các vấn đề trong xã hội của thành công và thất bại. Thế nhưng, nhìn lại công tác tổ chức cán bộ ở các cấp, các ngành nói chung và qua các “đại án” tham nhũng nói riêng, rõ ràng còn nhiều vấn đề phải quan tâm giải quyết, trong đó nổi cộm tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ là người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bất chấp yêu cầu chuyên môn, tiêu chuẩn nghiệp vụ! Hơn bao giờ hết, công tác tổ chức cán bộ đòi hỏi phải kịp thời đổi mới bao gồm cả về tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp, sử dụng, chính sách đãi ngộ hợp lý, hiệu quả, công bằng…

Nhiều bản án được tuyên dành cho các bị cáo trong các đại án tham nhũng trước đây thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật, tạo dấu ấn tốt đẹp, củng cố và nhân lên niềm tin của nhân dân. Bản án không chỉ dành cho người thụ lĩnh mà còn là lời khuyến cáo với các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý, kiểm tra, “vô tình” bảo lãnh, dung túng, bao che cho hành vi phạm tội. Câu hỏi môi trường nào mà những DN, tập đoàn nói trên có thể vượt qua khỏi cương thường của hệ thống để tác oai, tác quái trong một thời gian dài cũng cần có lời giải đáp. Bằng cách nhận được nhiều đặc quyền mà không phải ai cũng có, các bị cáo và nhiều đồng phạm khác đã biến tài sản, tiền của, đất đai của Nhà nước thành lợi nhuận cho công ty mình, của cá nhân mình.  

Tham nhũng làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào bộ máy công quyền, uy hiếp sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, việc chống tội phạm tham nhũng phải là một cuộc chiến không ngừng nghỉ, không khoan nhượng. Tất cả chỉ để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, Nhà nước; để lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. 

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
;
.