Cảnh giác trộm cướp mùa dịch

Thứ Hai, 20/04/2020, 22:24 [GMT+7]
In bài này
.

Báo BR-VT số ra ngày 20/4/2020 có đăng bài “Cảnh báo tội phạm cướp, cướp giật tài sản gia tăng”. Bài báo cho biết lợi dụng tình hình các lực lượng chức năng chung sức cho việc phòng, chống dịch COVID-19, đường phố vắng vẻ do thực hiện giãn cách xã hội, một số đối tượng tội phạm ở TX.Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu đã ra tay cướp, cướp giật tài sản của người dân. Bài báo kêu gọi người dân cần cảnh giác, chủ động đề phòng, bảo vệ tài sản của mình, nhanh chóng báo tin cho cơ quan công an xử lý kịp thời hành vi của các đối tượng tội phạm.

Trong những ngày cả nước gồng mình đối phó với dịch COVID-19, các phương tiện truyền thông trong cả nước cũng đăng tải khuyến cáo của lực lượng chức năng, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt nâng cao ý thức cảnh giác đối với các loại tội phạm cướp và cướp giật lợi dụng thời điểm để gây án.

Với bọn tội phạm thì lúc nào cũng phải cảnh giác chứ không riêng gì mùa dịch. Đúng là như vậy, nhưng không phải ngẫu nhiên mà các lực lượng chức năng tăng tần suất cảnh báo đến người dân vào lúc này, khi hiện tượng tội phạm mùa dịch với những nét đặc thù đang “nóng” lên tại nhiều địa phương. Thống kê cho thấy số vụ án cướp, cướp giật trong thời điểm dịch bệnh tăng nhiều hơn so với trước; Tính manh động, liều lĩnh và hung hãn của bọn tội phạm cũng thể hiện rõ hơn, dù rằng theo phân tích của Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an), chúng không phải là những kẻ tội phạm chuyên nghiệp, mà chỉ là do mất việc làm, thất nghiệp, túng quẫn… dẫn đến bất chấp luật, phạm tội để có tiền trang trải nợ nần, chi tiêu. Nguyễn Hữu Việt, nghi phạm chính trong vụ cướp táo tợn xảy ra tại cửa hàng Bách hoá Xanh ở quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh đêm 1/4 là một trong số đó. Việt và đồng bọn đều đang thất nghiệp, không có thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên đã nảy sinh ý định cướp để lấy tiền tiêu xài. Trung tá Đào Trung Hiếu gọi đó là hệ lụy của thói “đói ăn vụng, túng làm liều”.

Để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân, gìn giữ sự bình yên cho đường phố, lực lượng công an, dân phòng các địa phương sẽ phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, không để kẻ gian lợi dụng tình hình giãn cách xã hội, đường sá vắng người để trộm cắp, cướp giật. Lực lượng công an cũng không để yên cho các băng nhóm, đối tượng cầm đầu mà chắc chắn sẽ có biện pháp trấn áp, bắt giữ khi những đối tượng này nhen nhóm hoạt động. Tuy nhiên, tấn công, triệt phá tội phạm cướp giật không chỉ trông cả vào công tác đấu tranh của lực lượng công an, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Nó đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác với loại tội phạm này. Các biện pháp phòng chống không đâu xa mà ở ngay khuyến cáo của lực lượng công an: Người dân nên hạn chế đi một mình vào ban đêm ở những đoạn đường vắng, để không trở thành mục tiêu của bọn cướp. Chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và nếu có việc phải ra đường, thì không nên đem theo nhiều tiền hoặc tài sản có giá trị trong người. Thời gian qua, mặc dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, không ít người vẫn nghĩ rằng bị cướp giật là chuyện của… người khác, không đến với mình. Khi đi đường, họ vẫn thản nhiên treo túi xách đựng tiền bạc, laptop ở trước đầu xe, vừa đi đường vừa lấy điện thoại ra nghe, hoặc đeo nhiều nữ trang giá trị trên người, thu hút sự chú ý của bọn cướp.

Bên cạnh đó, khuyến cáo của Thượng tá, PGS. TS Nguyễn Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cũng rất đáng lưu ý. Đó là, người dân cần gia cố hệ thống khóa, cửa, tường rào, lắp đặt hệ thống đèn bảo vệ, camera an ninh quanh nhà nếu có thể. Và điều quan trọng là ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng của công an khu vực, công an phường để nhờ hỗ trợ khi gặp tội phạm cướp giật, trộm cắp.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.