Tìm cơ hội mới cho du lịch

Thứ Bảy, 14/03/2020, 08:57 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn cả dịch SARS, dịch COVID-19 thực sự đã và đang tác động trực tiếp tới ngành du lịch của cả nước nói chung và của các địa phương có thế mạnh về du lịch nói riêng, trong đó có tỉnh BR-VT, gây nhiều thiệt hại cả về doanh thu, lữ hành và lưu lượng khách.

Diễn biến của tình hình dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động lên nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta, 

trong đó, du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu tác động nặng nề nhất. Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, khách quốc tế đến Việt Nam có thể giảm từ 3,7- 4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt. Riêng thị trường Trung Quốc, lưu lượng khách du lịch giảm 90-100%, giảm khoảng 1,7-1,9 triệu lượt và với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt, ngành du lịch thất thu từ 1,8-2 tỷ USD. Trong bối cảnh chung đó, ngành du lịch tỉnh BR-VT cũng phải hứng chịu những tác động do dịch COVID-19 gây ra và bị ảnh hưởng nghiêm trọng về doanh thu và lưu lượng khách. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Du lịch tỉnh, trong quý I, thị trường khách đến BR-VT giảm từ 50-80% so với cùng kỳ, hơn 13.000 phòng bị hủy, khối khách sạn chỉ duy trì công suất từ 10-15%, chủ yếu đón khách lẻ và khách đặt dịch vụ trực tuyến. Ở khối lữ hành, việc khách hủy tour, tuyến khiến các DN lữ hành thiệt hại hàng chục tỷ đồng do chi phí thị thực, đặt cọc dịch vụ. Ước tính tổng thiệt hại từ thị trường khách quốc tế và nội địa do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với ngành du lịch nước ta vào khoảng từ 5,9-7,7 tỷ USD. 

Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và lan rộng trên thế giới. Để chủ động ứng phó với những khó khăn, ngành du lịch nước ta hiện đã có hàng loạt “kịch bản” vực dậy hoạt động của ngành công nghiệp không khói. Trong đó, gây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện chính là giải pháp đầu tiên được chọn lựa. Giải pháp này đã và đang được các bộ, ngành, địa phương và DN triển khai thực hiện. Nhằm nhanh chóng hồi phục hoạt động du lịch, các chuyên gia kinh tế đưa ra 2 kịch bản như sau: Thứ nhất, nếu dịch COVID-19 kết thúc vào cuối tháng 3, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch khởi động mạnh vào tháng 4 là thời điểm du lịch trong nước chuẩn bị vào mùa cao điểm, nên ngành du lịch cần kích cầu thúc đẩy người dân du lịch. Đồng thời, xúc tiến đẩy mạnh du lịch nước ngoài để bù đắp những tổn thất kể từ đầu năm. Thứ hai, ngành du lịch dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam từ tháng 6; để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế (từ tháng 10/2020-4/2021) thì từ tháng 4-9 hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cần được đặc biệt chú trọng.

Kinh nghiệm đối phó với dịch SARS năm 2003 cho thấy, khi dịch qua đi là thời kỳ phát triển bùng nổ của du lịch. Và, nhờ sớm áp dụng chương trình kích cầu mà du lịch nước ta năm đó đã có sự tăng trưởng đột phá ngay sau khi hết dịch SARS. Thời điểm hiện tại, khi dịch COVID-19 đang diễn ra là khoảng lặng để ngành du lịch tìm ra cơ hội mới, vượt qua dịch bệnh thì nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng mạnh. Thông thường, thị trường nội địa sẽ phục hồi nhanh nhất, thị trường quốc tế phải mất từ 3-6 tháng mới phục hồi.

Tìm cơ hội mới cho ngành du lịch, ngay từ đầu tháng 3, không đợi đến khi kết thúc dịch bệnh, các chương trình kích cầu du lịch cần được các ngành và các địa phương triển khai một cách gấp rút và đồng bộ. Thông điệp của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là xây dựng và triển khai thực hiện mạnh mẽ một số chương trình kích cầu du lịch nội địa, trước và sau khi kết thúc dịch. Trong đó, có các liên minh kích cầu toàn quốc với sự tham gia của các địa phương, các DN hàng không, khách sạn, vận chuyển, lữ hành, nhà hàng, cơ sở mua sắm lớn… Các bên tham gia kích cầu phải cam kết đưa ra mức giá giảm cụ thể, chất lượng và không kỳ thị khách. Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, ngày 6/3, của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ: “Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia, phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời, tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước”.

HOÀNG LÊ 

 

;
.