Dân vận phải thực chất, thực lòng

Thứ Sáu, 10/01/2020, 20:53 [GMT+7]
In bài này
.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng công tác dân vận. Trong tác phẩm “Dân vận”, Người viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng, nhà nước ta luôn coi trọng công tác dân vận. Công tác này được phát động thành các phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, phong trào đáng chú ý là “Dân vận khéo”. Phong trào được triển khai từ năm 2009, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác như “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị, tùy vào đặc thù của mình còn gắn phong trào “Dân vận khéo” với các phong trào, mô hình cụ thể nên đã phát huy hiệu quả trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh... 

Tại BR-VT, trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hàng ngàn mô hình, điển hình đã được đăng ký thực hiện và phát huy hiệu quả thiết thực. Từ những việc làm nhỏ với các mô hình như: “Bát cháo nghĩa tình”, “Bữa cơm chiến sĩ”, “Tấm lòng vàng”, “Nuôi heo đất”, “Tiết kiệm từ nguồn phân loại rác thải” đến những việc lớn hơn, liên quan thiết thân với đời sống và lợi ích của đa số người dân như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Tổ liên gia tự quản”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ở khối chính quyền, nhiều mô hình “Dân vận khéo” cũng được nhân dân đánh giá cao: “Nụ cười công sở”, “Cải cách hành chính”, “Tăng thời gian tiếp dân lên 10 giờ/ngày hành chính”, “Chứng thực tại nhà cho người già, người bị khuyết tật và người bị bệnh tật không có khả năng di chuyển”...    

Thực tế đã chứng minh, ở nơi nào, việc gì, nếu thực hiện tốt công tác dân vận, kết quả đạt được sẽ rất cao. Bởi qua công tác dân vận, người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của những việc làm mà nhà nước vận động họ thực hiện. Đơn cử như việc bê tông hóa hay mở rộng một tuyến đường giao thông, công tác dân vận phải giúp người dân hiểu được rằng điều đó sẽ giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn; giá trị nhà, đất sẽ tăng lên. Từ đó, người dân sẵn sàng hưởng ứng, hợp tác với nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức, tiền của để công trình sớm được triển khai đưa vào hoạt động. Ngược lại, có những nơi, những việc do không làm tốt công tác dân vận nên không nhận được sự đồng thuận của người dân, bị người dân phản đối, dẫn đến nhiều công trình, dự án kéo dài, dang dở, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đất nước. 

Trước tình hình mới, công tác dân vận cũng đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi các ngành, các cấp phải không ngừng đổi mới công tác này để thích ứng. Nhưng trên hết, công tác dân vận không chỉ là những lời nói suông mà nói phải đi đôi với làm. Các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của nhân dân phải được giải quyết triệt để, thấu tình đạt lý. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hành động vì lợi ích của nhân dân, chăm lo sức khỏe tinh thần và vật chất cho người dân. 

“Dân vận phải thực chất, thực lòng, là ứng xử có văn hóa, là đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên, cho nên từ cái bắt tay cho đến cử chỉ phải từ tấm lòng mình. Đó chính là điều thuyết phục nhất với người dân. Chúng ta nói thật, làm thật chứ không phải một thứ phương pháp qua loa đại khái, nói không đi đôi với làm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 ngày 9/1. 

NGUYỄN ĐỨC
;
.