Quản lý rừng bền vững

Thứ Năm, 29/11/2018, 08:03 [GMT+7]
In bài này
.

Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Điều đáng chú ý, so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện hành, Luật Lâm nghiệp có một khái niệm mới “Quản lý rừng bền vững” được giải thích “là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh”.

Phương thức quản lý rừng bền vững đã được Chính phủ quy định cụ thể hơn bằng các giải pháp tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Theo đó, Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ và cứu hộ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; duy trì và phát triển rừng giống, vườn thực vật Quốc gia; hoạt động kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững. Ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động khuyến lâm và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đầu tư phát triển, kinh doanh rừng sản xuất theo chuỗi giá trị; hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Bà Rịa-VũngTàu có hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú với loại hình rừng cây gỗ lớn nhiệt đới ven biển và rừng ngập mặn. Toàn tỉnh hiện có hơn 28.400ha đất lâm nghiệp, trong đó: rừng đặc dụng khoảng 16.000ha, rừng phòng hộ khoảng 8.000ha, rừng sản xuất hơn 4.400ha. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. 

Theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đến năm 2020 đã được phê duyệt, toàn tỉnh dự kiến trồng mới 3.390ha rừng và 131.000 cây phân tán nhằm đạt các mục tiêu cơ bản: Tăng độ che phủ của rừng đạt 15-17% (tính cả cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm) so với tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; GDP lâm nghiệp đạt khoảng 6-7% GDP của ngành nông nghiệp-nông thôn; khai thác rừng trồng 3.425ha để cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngành công nghiệp chế biến lâm sản, bột giấy, xuất khẩu, phục vụ cho xây dựng và dân sinh với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 10.000m3 gỗ, 3.000 tấn củi; tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ như điều, cao su, các hoạt động dịch vụ dưới tán rừng,… 

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu 11.142ha (huyện Xuyên Mộc) và Vườn Quốc gia Côn Đảo 5.831ha (huyện Côn Đảo) là hai khu rừng nguyên sinh đa dạng sinh học, có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ, cân bằng sinh thái, bảo đảm môi sinh - môi trường, tạo cảnh quan phát triển du lịch và có vị trí đặc biệt trong công tác quốc phòng-an ninh.

Nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nêu trên cho thấy, hoàn toàn phù hợp với phương thức quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp, có sự kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho người dân sống ven rừng để tránh xâm hại đến rừng, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Theo đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, phát triển rừng trồng trên diện tích đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm (điều, cao su…); bảo vệ và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; triển khai phương án “xã hội hóa” việc trồng, bảo vệ rừng với chế độ, chính sách rõ ràng để thu hút cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tích cực tham gia. 

NHỰT THANH

 

;
.