Cuộc đầu tư đắt đỏ

Thứ Sáu, 23/11/2018, 20:04 [GMT+7]
In bài này
.

Cháu tôi học xong đại học (ĐH) trong nước, có việc làm ổn định hơn 2 năm nay tại TP. Hồ Chí Minh thì bỗng nghỉ việc để đi du học châu Âu. Ba mẹ nửa muốn con gái ở nhà lấy chồng, sinh cho ông bà đứa cháu ngoại và săn sóc cha mẹ hiện đã già, nửa không muốn làm mất cơ hội của con. Thế là cháu đi; rất nhẹ nhàng, hồ hởi phấn khởi! 

Một người bạn, có hai con, một du học ở Pháp, một ở Úc. Rồi cả hai đều làm việc, lấy vợ đẻ con ở “bển”, không về. 

Người khác, có cô con gái rượu, du học xong cũng ở lại Nhật, cha mẹ vin với nhắc chuyện chồng con, nó cứ bỏ ngoài tai!...

Những chuyện như thế bây giờ nhiều đến mức không có gì gọi là đặc biệt nữa. Những gia đình khá giả gặp nhau là thường hỏi thăm con cái du học ở đâu, nhẹ nhàng y như chuyện chúng đi du lịch xa nhà. 

Từ khi nước ta mở cửa hội nhập với thế giới, kinh tế tăng trưởng, đời sống nâng cao, thì nhiều gia đình cũng đầu tư lớn cho giáo dục, và du học trở thành một xu hướng ngày càng phát triển. 

Các báo mới đây dẫn thống kê của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) cho thấy năm học 2017 - 2018 là năm thứ 17 liên tiếp số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng, với 24.325 sinh viên, đứng thứ 6 trong nhóm nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ và đóng góp cho nền kinh tế nước này 881 triệu USD.

Tương tự, đến cuối năm 2017, tại New Zealand có hơn 2.500 du học sinh Việt Nam, ở Canada 14.000 người, Nhật Bản gần 40.000 người,… Truyền thông dẫn thống kê chung do Bộ GD-ĐT tính toán và ước lượng, theo đó mỗi năm người Việt chi 3 - 4 tỉ USD cho du học. Một con số không nhỏ, và thậm chí là đắt đỏ so với mức sống bình quân của người Việt.

Nhưng điều đó lại dễ hiểu, khi chất lượng giáo dục của ta, nhất là ở bậc ĐH, còn nhiều hạn chế. Việt Nam chỉ có 2 trường ĐH quốc gia lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường ĐH theo chuẩn quốc tế. Giáo dục ĐH đã có đổi mới, từng bước tiếp cận các chuẩn mực của thế giới, nhưng chưa đủ và phần lớn các trường vẫn ở trong tình trạng chương trình đào tạo không sát với yêu cầu của thực tế, cách giảng dạy lạc hậu, không làm cho sinh viên có đủ kỹ năng làm việc khi ra trường… Nhiều người nếu không đi du học nước ngoài thì cũng chọn các trường ĐH quốc tế mở tại Việt Nam để học. Điều đó là thêm một bằng chứng cho thấy việc du học nước ngoài và du học ngay trong nước ngày càng tăng không chỉ nói lên rằng người Việt có lòng hiếu học, muốn “tầm sư học đạo” ở các nền ĐH tiên tiến, mà mặt khác, còn phản ánh tâm trạng xã hội đang thiếu niềm tin vào chất lượng giáo dục trong nước, nhất là đối với giáo dục ĐH.

Mà cũng không phải chỉ riêng chuyện học. Xã hội còn có tâm trạng về môi trường làm việc sau tốt nghiệp ĐH, về thu nhập, về cách dùng người có tri thức… Những người quen tôi vừa kể ở trên đều thắc thỏm không yên lòng với chuyện liệu con có trở về nước. Nhưng có nhiều người khác muốn con “đi luôn”, và du học là cách giúp con họ có cơ hội định cư ở nước ngoài. Rất nhiều người sau khi du học đã không về nước, vì về nước thì lương thấp, không bù lại chi phí học tập; và căn bản là không có môi trường làm việc thuận lợi. 

Còn nhớ, chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc đã được đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) đặt ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 2-11-2015. Ở thời điểm ấy, cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên VTV3 đã tìm được 13 nhà vô địch và 13 người đều đi du học Úc, nhưng 12 người không trở về. “Chúng ta đã lãng phí nguồn nhân lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói. Cũng vì vậy, dư luận tỏ ra hoài nghi về tác dụng thật sự của cuộc thi, khi thấy rằng phía nước ngoài chỉ tốn vài chục ngàn “đô” làm giải thưởng, nhưng họ “rinh” hết các nhân tài của ta. Cứ như hiện nay, thì càng nhiều sinh viên du học, chúng ta càng có nguy cơ bị mất đi những tài năng mà phải mất 12 năm giáo dục phổ thông mới có được. 

Vậy, việc nhiều người đi du học là chuyện đáng mừng hay đáng lo, và có nên ủng hộ du học? Phải nói thế này: Du học để cho con cái có nền học vấn tốt, có bản lĩnh, có thể làm việc ở môi trường quốc tế là nguyện vọng chính đáng và là sự đầu tư khôn ngoan của các gia đình. Nhưng, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều mong nước ta sớm có thêm nhiều trường ĐH danh giá, đạt chuẩn quốc tế để con em mình có thể học ngay trong nước mà kết quả chẳng kém so với du học ở nước ngoài. Cùng với đó, là sửa đổi tổ chức bộ máy và lề lối làm việc để thu hút người tài; nếu không, họ sẽ làm việc cho khu vực ngoài Nhà nước và chúng ta mãi mãi thất vọng vì điều đó.

HẢI THANH

;
.