Nỗ lực kéo giảm tội phạm vị thành niên!

Thứ Ba, 09/10/2018, 16:34 [GMT+7]
In bài này
.

Vào Google, gõ từ khóa “trẻ em phạm tội”, trang mạng tìm kiếm này cho biết tội phạm VTN ngày càng gia tăng và tội danh mà người VTN mắc phải không hề “thua kém” người lớn: Giết người, trộm cắp, cướp tài sản, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, mua bán, tổ chức sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, đua xe trái phép. v.v…

Khảo sát mới đây của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khiến người ta phải giật mình. Trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người VTN thực hiện. Dù không truy tố hết số đối tượng đó vì căn cứ vào chủ thể nhưng tất cả các vụ phạm pháp hình sự đều có các dấu hiệu tội phạm.

Nếu như trước kia, người VTN thường chỉ “dính” tới các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích không gây nguy hại lớn thì một vài năm trở lại đây, hành vi “mở rộng” theo chiều hướng nguy hiểm: Giết người cướp của, hiếp dâm, mua bán ma túy. Tình trạng người VTN tụ tập thành băng nhóm, dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn khá phổ biến. Hành vi phạm tội của người VTN ngày một hung hãn, phương thức, thủ đoạn hết sức nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người. Điều đáng lo ngại là về lứa tuổi, tình trạng trẻ phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

“Bần cùng sinh đạo tặc”. Nhiều người đã giải thích như vậy. Song nếu chỉ dừng lại ở nguyên nhân kinh tế thì chưa thỏa đáng. Thực tế nhiều người VTN phạm tội là con em gia đình khá giả, giàu có. Đồng tiền dễ dãi làm họ mất đi sức đề kháng trước những cám dỗ tiêu cực, họ bắt đầu thoát ly khỏi cuộc sống và mọi sự kiểm soát của gia đình.

Nhà trường và gia đình là nền tảng để hình thành nhân cách một con người. Thế nhưng, bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, ngành giáo dục thời gian qua chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cuộc sống. Nội dung giảng dạy chỉ chú trọng giáo dục cái đẹp, cái tốt đến mức thần tượng. Chỉ nhìn thấy một mặt - cái tốt - nhiều thanh thiếu niên đã bị hụt hẫng trước nghịch lý của đời thường. Thiếu cơ sở khoa học để nhận biết, phân tích cuộc sống hiện thực, và chọn lựa đúng.

Bên cạnh những thiếu hụt trong giáo dục, cũng cần đề cập đến thiếu sót về trách nhiệm của gia đình và các tổ chức đoàn thể. Không ít các bậc làm cha làm mẹ suốt ngày lo việc mưu sinh, không quan tâm đến việc quản lý và giáo dục con cái, không chú ý uốn nắn sự phát triển nhân cách của con. Việc học hành, sinh hoạt của trẻ hầu như phó mặc cho nhà trường. Thường thì mọi người ít quan tâm đến khía cạnh “con cái là bản sao của chính cha mẹ”. Cha mẹ cư xử với mọi người như thế nào thì hầu như con cái cũng học cách cư xử với mọi người như thế ấy. Vì vậy, trách nhiệm trước hết phải là của gia đình qua nếp sinh hoạt hàng ngày. Chỉ có thể bằng nếp sống của người lớn, bằng việc nghiêm túc chấp hành pháp luật, tấm gương đạo đức trong lối sống, tình yêu thương và sự dạy bảo của cha mẹ mới có thể răn dạy và giáo dục được con cái. Điều đó còn hữu hiệu hơn ngàn lần những bài rao giảng đạo đức.

Ở một khía cạnh khác, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, uống rượu bia, “chơi” ma túy. Các hành vi phạm tội từ đó mà ra.

Để kéo giảm tình trạng người VTN phạm tội, giải pháp quan trọng nhất vào lúc này vẫn là chú trọng tới giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ, cân bằng cả việc “dạy chữ” và “dạy làm người”. Sự quan tâm chăm sóc của các bậc phụ huynh sẽ giúp con em có sức “đề kháng” trước mọi cám dỗ không  bị lôi kéo vào con đường phạm pháp.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

;
.