Không chỉ là chuyện giải cứu!

Chủ Nhật, 07/10/2018, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Báo BR-VT số ra ngày 6-10 có bài viết “Đến lượt thanh long chờ giải cứu”, viết về tình trạng trái thanh long tại huyện Xuyên Mộc rớt giá mạnh, chất đống không ai mua hoặc một số địa phương khác phải đổ bỏ cho bò ăn. Nói “đến lượt” có nghĩa là trước trái thanh long, đã có hàng loạt nông sản lâm vào tình trạng rớt giá thảm hại, bán không ai mua như chuối cấy mô, dưa hấu, hành tím, ớt,… cần được “giải cứu”!

Những ngày này, trên facebook, tràn ngập những lời kêu gọi “giải cứu” thanh long, như trước đây đã từng kêu gọi “giải cứu” chuối, dưa hấu, hành tím. Người 5kg, người 10kg, người 20kg… và hàng chục tấn thanh long được góp nhặt như vậy chở về TP. Vũng Tàu. Ngay trong sáng Chủ nhật ngày 7-10, trên trang facebook của bạn bè, tràn ngập những hình ảnh “nhà nhà ăn thanh long, người người ăn thanh long”. Nhưng đằng sau những nghĩa cử cao đẹp này, câu hỏi bao giờ nông sản không còn cảnh phải “giải cứu” nữa vẫn còn đang bỏ ngỏ. Và việc đứng ra kêu gọi cũng như tổ chức mua “giải cứu” thanh long có phải là việc của một nhóm các bạn trẻ, của một số cán bộ công chức?

Nhiều năm qua, sau mỗi vụ mùa bội thu là tình trạng “được mùa mất giá” tái diễn. Điều đáng nói là, phía sau những đợt nông sản giảm giá sâu, ùn ứ vẫn là một điệp khúc hết sức quen thuộc, do phía thị trường Trung Quốc ngưng mua. Mỗi lần nghe thông tin như vậy, phản ứng đầu tiên của nhiều người là đứng về phía nông dân, phê phán các thương lái Trung Quốc. Vậy nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì?

Trở lại câu chuyện của trái thanh long cho thấy, hiện mỗi năm cả nước xuất khẩu được khoảng 1,5 triệu tấn, trong số đó hơn 70% sản lượng thanh long nước ta mua bán biên mậu (tiểu ngạch) với thương nhân Trung Quốc, khoảng 5-10% còn lại là xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Mặc dù thanh long là loại trái cây được ưa chuộng tại châu Âu, nhưng sản lượng xuất khẩu vào các nước trong châu lục này vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ và có yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về ATVSTP. Còn nhớ vào tháng 6-2018, quả thanh long của Việt Nam sau khi tiếp cận vào thị trường châu Âu đã gặp khó khăn khi một số lô hàng bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.

Trong khi đó, hiện Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng áp đảo lên đến 76%. Thế nhưng nông sản xuất sang Trung Quốc vẫn chủ yếu theo con đường tiểu ngạch là chính. Tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Đó là khi có vấn đề về đơn hàng thì không biết liên hệ ở đâu. Ngoài ra, do không tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dẫn đến khi được giá nông dân đua nhau sản xuất ồ ạt. Đây là một phần nguyên nhân của điệp khúc “được mùa mất giá” dẫn đến hàng loạt chiến dịch “giải cứu” nông sản gần đây tại nhiều địa phương, trong đó có BR-VT.

Do đó, để tránh phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc, nông dân cần phải thay đổi, sản xuất sạch để đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn nông sản và ATVSTP của các nước. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi cung ứng, quản lý chặt chẽ quy trình đầu vào sản phẩm, xử lý đóng gói từ khâu sản xuất tại hộ nông dân, HTX, công ty và đầu ra ở các cửa hàng, chợ truyền thống hay siêu thị. Đồng thời, việc cần làm ngay là phải chủ động tìm và mở rộng thị trường mới, tăng cường quảng bá, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản.

Đã đến lúc, sản xuất không thể tùy tiện, làm theo thói quen mà cần áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới, sản xuất không thể tách rời với thị trường tiêu thụ. 

NGÔ GIA

 

;
.