Tăng cường kiểm soát và quản lý thuốc BVTV

Thứ Hai, 24/09/2018, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Có hơn chục năm trồng nhãn xuồng cơm vàng, kỹ thuật, kinh nghiệm “thuộc như lòng bàn tay” nhưng 5 năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Hiền, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ cũng hết sức hoang mang vì không hiểu lý do tại sao vườn nhãn đồng loạt rụng trái. Cứ gần đến vụ thu hoạch, trái nhãn bị nổi đốm, thối và rụng hàng loạt. “Có bệnh thì vái tứ phương”, theo lời chỉ dẫn của các hộ trồng nhãn khác, ông Hiền mua thuốc BVTV về phun xịt. Cứ cách 5 - 7 ngày, ông Hiền lại phải phun thuốc 1 lần. Nhưng năng suất, chất lượng của nhãn ngày càng giảm, đất đai cằn cỗi. 

Ông Hiền chuyển sang trồng mãng cầu ta. Thế nhưng, loại cây trồng này cũng dễ bị sâu bệnh nên ông Hiền lại phải dùng thuốc trừ sâu, ngoài ra còn phải phun thuốc xử lý cho cây ra hoa, đậu trái nhiều hơn. Vào mùa mưa, mỗi lần phun thuốc xong, gặp trận mưa lớn thuốc bị trôi hết, bà con nông dân lại tiếp tục một đợt phun xịt mới. Lượng thuốc đó ngoài việc phát tán mùi thì khi gặp mưa lớn còn bị rửa trôi ngấm vào đất hoặc tràn ra suối xung quanh. Ông Hiền cũng như những nông dân khác đều lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, năng suất cây trồng ngày càng giảm, nhưng cũng không dễ dàng từ bỏ thói quen sử dụng thuốc BVTV.

Lâu nay, việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đã ngấm sâu vào  thói quen của bà con nông dân, ít nhất mỗi vụ cũng có từ 3-5 lần phun thuốc. Thậm chí, tại một số vùng trồng rau xanh trên địa bàn tỉnh, hễ rau có sâu bệnh thì thuốc lại được dùng đến, bao bì, chai lọ vứt tràn lan trên bờ. Thống kê của Bộ NN-PTNT cũng cho thấy, mỗi năm nước ta sử dụng 100.000 tấn thuốc BVTV. Khối lượng hoạt chất thuốc BVTV trên 1ha cây trồng/năm ở Việt Nam cao hơn hẳn một số nước trong khu vực. Cụ thể, con số này ở Việt Nam là 2 kg/ha, trong khi tại Thái Lan là 1,8kg/ha, Bangladesh là 1,1kg/ha. Hiện có hơn 3.500 loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép lưu hành trên toàn quốc. Nhưng vẫn còn những loại thuốc ngoài danh mục được nhập khẩu trái phép vào Việt Nam nên không kiểm soát được độ độc hại cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Việc lạm dụng thuốc BVTV đang tồn tại nhiều bất cập, gây độc hại cho chính người sản xuất và cộng đồng, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, gây thoái hóa đất đai. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở mức độ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, phát sinh nhiều bệnh dịch nguy hiểm.

Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT đang đặt ra mục tiêu chỉ sau 3 năm nữa phải tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp ít nhất là 3 triệu tấn/năm, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ lên gấp đôi lên 10%, đồng thời giảm 1/3 sản phẩm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học. Tuy nhiên, không dễ để nông dân thay đổi thói quen canh tác theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, các loại sâu bệnh và dịch hại trên cây trồng thường xuyên diễn ra gây áp lực giữ vững năng suất, sản lượng thì việc quản lý dịch hại bằng BVTV vẫn là một biện pháp chủ yếu. Muốn vậy cần tăng cường quản lý, kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV để bà con nông dân tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Hiểu đúng và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả canh tác mà còn bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng và môi trường.

NGÔ GIA

;
.