Câu chuyện nông nghiệp hôm nay

Thứ Hai, 17/09/2018, 16:37 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, nông nghiệp nước ta luôn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội và bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra thực sự có nhiều tác động và ảnh hưởng rất lớn đối với nông nghiệp Việt Nam.

Với CMCN 4.0, nông nghiệp nước ta sẽ có điều kiện tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao trong tiêu thụ hàng nông sản. Điều này tác động mạnh mẽ đến việc tăng năng suất cũng như chất lượng cây trồng, vật nuôi, từ đó tăng giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại một số trang trại tiêu ở huyện Châu Đức đã đạt hiệu quả kinh tế rất cao, cả về tiết kiệm chi phí vật tư, nhân công, lại lợi cả về năng suất và chất lượng sản phẩm. Hay như  doanh nhân John Tran, người Mỹ gốc Việt, trở về TP.Hồ Chí Minh khởi nghiệp, hình thành các nông trại trong những container khép kín, đặt rải rác ở nhiều nơi. Công nghệ trồng rau hiện đại đã biến doanh nhân Việt kiều John Tran thành… “nông dân @ thứ thiệt”. Không đất, không ánh nắng mặt trời, mỗi luống rau trong các container được thiết kế theo kiểu giàn treo với hệ thống đèn LED đa sắc màu. Nhờ công nghệ phun nước, chiếu sáng tự động, John Tran dễ dàng chăm sóc cùng lúc nhiều trang trại container, hoặc có thể theo dõi, điều khiển từ xa qua điện thoại cầm tay.

Ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ và cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh – nông nghiệp 4.0, là một xu hướng sản xuất mới, nhằm phát huy lợi thế của nông nghiệp, tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm nông sản, cải thiện đời sống của người nông dân và góp phần bảo đảm an ninh lương thực một cách bền vững. Nhiều DN sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nước ta đã và đang tích cực ứng dụng điện toán đám mây, một trong những giải pháp mang lại nhiều tiện ích trong cung ứng hàng hóa nông sản chất lượng cao, luôn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong quá trình vận chuyển và xuất khẩu, giúp kiểm soát nhiệt độ bảo quản rau quả, thủy sản trong các xe đông lạnh và tàu biển. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và lợi ích to lớn từ cuộc CMCN 4.0 thì cũng xuất hiện rất nhiều thách thức và rào cản đối với ngành nông nghiệp nước ta. Trước hết, cũng như các lĩnh vực khác, nông nghiệp 4.0 đối diện với thách thức bất bình đẳng về thu nhập, về chất lượng cuộc sống giữa nông dân công nghệ cao với nông dân công nghệ thấp. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp truyền thống, người lao động ở khu vực nông thôn sẽ bị dư thừa, dẫn tới tình trạng phá vỡ thị trường lao động. Mặt khác, khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến của nông dân và các DN sản xuất, kinh doanh hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta hiện nay.

 Chậm trễ trên chuyến tàu ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là một sự lãng phí, thiệt thòi rất lớn trước những cơ hội đổi mới nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả cao của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, các chuyên gia, các DN và các nhà sản xuất nông nghiệp phải táo bạo, nhập cuộc nhanh, xóa bỏ tâm lý tự ti và trông chờ sự bứt phá từ các lĩnh vực khác. Như lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN mới đây: “Muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cuộc CMCN 4.0 để trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”.

HOÀNG LÊ

 

;
.