Quần đảo hải tặc và kho vàng của thuyền trưởng Kidd - Kỳ 1: Tấm bản đồ của thuyền trưởng Kidd

Thứ Sáu, 15/02/2019, 10:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tối 16-6-1983, cơ quan chức năng huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã tạm giữ Frederick Graham (người Mỹ) và Richard Knight (người Anh) cùng 2 người Thái Lan khi họ đang ngủ trên bờ biển đảo Hòn Tre, quần đảo Hải Tặc, huyện Phú Quốc, vì xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam. Theo lời khai của Knight, ông ta và Graham từ Pattaya, Thái Lan đến đảo Hòn Tre để săn tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd, một cướp biển người Anh lừng danh thế kỷ 17…

Một trong những bức ảnh được cho là do Knight chụp chiếc rương chứa vàng, đào trên đảo Hòn Tre.
Một trong những bức ảnh được cho là do Knight chụp chiếc rương chứa vàng, đào trên đảo Hòn Tre.

NHỮNG KẺ LIỀU MẠNG

Frederick Graham SN 29-11-1964 tại TP. Belmont, bang California, Mỹ. Tốt nghiệp trung học năm 1981, Graham thi vào trường CĐ San Mateo nhưng lại bỏ học nửa chừng. Đến tháng 4-1983, Graham đi Bangkok, Thái Lan, với ý định trở thành phóng viên ảnh, đưa tin về cuộc chiến chống Kh’mer Đỏ của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tuy nhiên, do chính quyền Thái Lan không cấp phép cho anh ta đến khu vực biên giới cũng như không có kinh nghiệm viết lách nên chẳng một tờ báo phương Tây nào nhận lời cộng tác. Trong cuốn hồi ký “Thợ săn huyền thoại”, Graham viết: “Tôi đang sống với 5 USD một ngày trong khu lao động nghèo ở Bangkok. Cùng chia sẻ với tôi là lũ gián, chuột, muỗi và vô số các loại côn trùng…”.

Khi bị bắt, Richard Knight khai rằng mình chỉ là người đi tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd.
Khi bị bắt, Richard Knight khai rằng mình chỉ là người đi tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd.

Ngày 7-6-1983, Graham gặp Richard Knight, 47 tuổi, người Anh, tại một quán rượu ở Bangkok. Trong cuộc trò chuyện, Knight cho biết năm 1980, trước lúc ông nội của Knight qua đời, ông đã đưa cho Knight tấm bản đồ bằng da do chính tay thuyền trưởng Kidd vẽ, ghi lại vị trí chôn giấu vàng ở đảo Hòn Tre, quần đảo Hải Tặc, Việt Nam, nên Knight đến Thái Lan tìm bạn đồng hành, săn lùng kho báu này. 

Lập tức, Graham nhận lời vì: “Tôi đang thất nghiệp. Tiền dành dụm cũng chẳng còn nhiều nên tôi xem đó như một vận may. Nếu tìm được vàng, số phận tôi sẽ thay đổi còn nếu không thì ít ra tôi cũng làm được một phóng sự ảnh về kho vàng của thuyền trưởng Kidd”.

TƯỚNG CƯỚP LỪNG DANH

Thuyền trưởng Kidd tên thật là Williams Kidd, sĩ quan hải quân Hoàng gia Anh, chỉ huy chiếc tàu chiến Galley. Năm 1695, Kidd được giao nhiệm vụ tiêu diệt những nhóm cướp biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhưng chỉ một thời gian ngắn, Kidd nhận ra rằng đi cướp thì kiếm tiền nhanh hơn so với việc lĩnh lương để bắt cướp. Với chiếc Galley trang bị 34 khẩu pháo cùng sĩ quan, thủy thủ đoàn lên đến 150 người, trong thời gian từ 1696 đến 1701, Kidd đã thực hiện gần 100 vụ cướp nhắm vào các tàu buôn của người Pháp cùng các tàu cướp biển khác, lấy hơn 200 thỏi vàng, gần 3.000 thỏi bạc và khoảng 18.000 đồng tiền vàng. Trong đó, tài sản đáng kể nhất là vụ cướp chiếc tàu buôn Quedagh Merchant, tải trọng 400 tấn thuộc quyền sở hữu của Công ty Đông Ấn (một công ty của người Anh hoạt động tại Ấn Độ). Lúc bị cướp, chiếc Quedagh Merchant chất đầy vải lụa satins, muslins, vàng, bạc, bột càri. Vì số lượng hàng hóa quá nhiều nên Kidd ra lệnh cho sĩ quan, thủy thủ đốt chiếc tàu chiến Galley rồi chuyển sang tàu Quedagh Merchant sau khi đã tháo gỡ và mang theo 12 khẩu pháo. 

Tại biển Caribean, Kidd bán hết số hàng cướp được, chỉ giữ lại những thỏi vàng, bạc cùng những đồng tiền vàng. Khi đến New York, Kidd nhận được tin mình bị nước Anh truy nã vì tội làm hải tặc. Lập tức, Kidd cùng thủy thủ đoàn chôn giấu một phần nhỏ số vàng, bạc, ở đảo Gardiners, New York, Mỹ rồi giong buồm đi Đông Nam Á. Tại quần đảo Hải Tặc, Việt Nam, Kidd chôn số vàng còn lại ở đảo Hòn Tre. 

Quay lại New York, Kidd cho thuyền neo tại vịnh Oyster. Lúc này, số sĩ quan, thủy thủ đi theo Kidd hầu hết đã bỏ trốn, chỉ còn lại 13 người. Tin vào lời hứa khoan hồng của Thống đốc New York là Bellomont, tháng 3-1700 Kidd ra trình diện chính quyền thuộc địa đồng thời chỉ nơi chôn giấu vàng trên đảo Gardiners. Để có bằng chứng buộc tội Kidd, thống đốc Bellomont đã cho khai quật số vàng rồi gửi về Anh.

Bị giam ở nước Anh hơn 1 năm, trước sau Kidd vẫn chỉ thừa nhận số vàng bạc chôn ở đảo Gardiners là tất cả những gì mình đã cướp được. Ngày 23-5-1701, Kidd bị treo cổ theo phán quyết của Tòa án Anh quốc nhưng lần treo đầu tiên, sợi dây bỗng đứt ngang. Mặc dù nhiều người trong đám đông chứng kiến việc thi hành án đã đồng loạt la ó, đề nghị tha Kidd vì sợi dây bị đứt là dấu hiệu của việc thượng đế không muốn Kidd chết nhưng tòa án vẫn quyết định treo cổ Kidd lần thứ 2. Lần này thì thuyền trưởng Kidd chết hẳn.

Theo các sử gia, trước khi ra trình diện Thống đốc Bellomont, Kidd đã kịp giấu tấm bản đồ vẽ vị trí chôn giấu kho vàng ở đảo Hòn Tre. Trong suốt những năm từ 1720 đến 1900, nhiều “thợ săn kho báu” đã ra sức tìm kiếm tấm bản đồ này nhưng kết quả chỉ là con số 0. Nhiều nhóm “thợ săn” khác dựa theo hành trình của chiếc tàu chiến Galley ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tiến hành các cuộc lùng sục tại những hòn đảo hoang vu trên 2 vùng biển ấy với hy vọng sẽ gặp được vận may nhưng vẫn không kết quả. Chỉ duy nhất một lần vào năm 1896, hai thợ lặn thuộc chiếc tàu thám hiểm Challenger mò được 1 thỏi bạc nặng 5kg có đóng dấu Công ty Đông Ấn ở vùng biển ngoài khơi đảo Jamaica. Lúc ấy, họ tin rằng họ đã khám phá ra kho vàng của thuyền trưởng Kidd nhưng Công ty Đông Ấn cho biết căn cứ vào số serie đóng trên thỏi bạc, thì nó được đúc 3 năm sau khi Kidd bị tử hình.

Cuối cùng, mất hơn 2 thế kỷ lưu lạc, tấm bản đồ được cho là đã lọt vào tay ông nội của Richard Knight.

CHUYẾN TÌM VÀNG ĐẦU TIÊN

Ngược dòng thời gian, trước khi gặp Graham ở Bangkok, Knight đã từng đến đảo Hòn Tre để tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd. Trong cuốn hồi ký “Thợ săn huyền thoại”, Graham viết: “Năm 1981, Knight xin được visa du lịch vào Việt Nam nhưng vì lúc ấy, cuộc chiến giúp người Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot vẫn đang diễn ra khốc liệt nên chính quyền tỉnh Kiên Giang không cho phép Knight đến thăm các hòn đảo nằm trong vùng biển tiếp giáp với Campuchia, trong đó có quần đảo Hải Tặc. Vì vậy, Knight sang Thái Lan, thuê chiếc thuyền đánh cá số hiệu T-1396, thời gian 4 ngày với giá 550USD”.  

Tháng 10-1981, lợi dụng thời tiết xấu, Knight cho thuyền xâm nhập đảo Hòn Tre. Trước lúc lên đường, Knight dặn những ngư phủ Thái Lan nếu bị bộ đội Biên phòng Việt Nam xét hỏi, tất cả phải đều khai rằng thuyền bị hỏng máy và trôi dạt vào đảo. Graham viết: “Knight mang theo 1 máy dò kim loại, xà beng, cuốc, xẻng, ống nhòm cùng 1.000USD để hối lộ dân địa phương nếu bị phát hiện”…

VŨ CAO
Theo Legend Hunter


Quần đảo hải tặc và kho vàng của thuyền trưởng Kidd - Kỳ 1: Tấm bản đồ của thuyền trưởng Kidd

Còn nữa

;
.