Ba phép thử "báo hiệu" cơ hội tái đắc cử năm 2020 của Tổng thống Trump

Thứ Tư, 13/02/2019, 17:41 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 2 năm 2019 đang trở thành một tháng quan trọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và sự kiện chính phủ đóng cửa kéo dài kỷ lục đã bị bỏ lại phía sau. Tờ National Review cho rằng, với bản Thông điệp Liên bang đầy lạc quan và truyền cảm hứng, ông Trump đã “cài đặt lại” hiệu quả nhiệm kỳ tổng thống của mình và đóng khung phe đối lập ra xa dòng chảy chủ đạo Mỹ. Nhưng ngay phía trước là 3 “bài test” đang chờ ông: mối quan hệ với Quốc hội, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Cách thức Tổng thống Trump xử lý những thách thức này sẽ nói lên rất nhiều về cơ hội tái đắc cử của ông vào năm 2020.

Tổng thống Trump đã có bản Thông điệp Liên bang ghi điểm mạnh mẽ. Ảnh: CNBC
Tổng thống Trump đã có bản Thông điệp Liên bang ghi điểm mạnh mẽ. Ảnh: CNBC

Nhà lãnh đạo Mỹ đã hứng cú đòn kép trong những tháng gần đây. Việc đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát đa số tại Hạ viện làm suy yếu một phần quyền lực của Tổng thống. Tiếp đó là quãng thời gian dài kỷ lục chính phủ đóng cửa một phần, khiến tỉ lệ người Mỹ không ủng hộ cách điều hành của Tổng thống tăng vọt. Sau hơn một tháng, ông Trump đồng ý mở lại chính phủ mà không có kinh phí xây bức tường biên giới cho đến ngày 15-2. Lãnh đạo phe Dân chủ, bà Nancy Pelosi đã giành chiến thắng ở vòng này.

Nhưng bà cũng mắc một lỗi: trì hoãn Tổng thống đọc Thông điệp Liên bang cho đến khi chính phủ mở cửa trở lại. Đây có vẻ như là một động thái thông minh vào thời điểm đó. Nếu ông đưa ra bài phát biểu này khi Chính phủ Mỹ đang đóng cửa, nội dung của nó sẽ lạc lõng giữa những câu chuyện về hàng trăm ngàn viên chức bị nghỉ việc tạm thời hoặc đi làm không lương.

Và nhà lãnh đạo Mỹ đã tận dụng tối đa cơ hội. Bản Thông điệp Liên bang lần thứ hai của ông là bản xuất sắc nhất: oai vệ, hài hước, táo bạo, yêu nước và trực diện. Đây không chỉ là bản Thông điệp Liên bang. Đó là sự khởi động của chiến dịch “Trump 2020”. Và để bắt đầu chiến dịch thành công, theo tờ National Review, Tổng thống Trump sẽ phải vượt qua ba phép thử - ba cuộc đàm phán quan trọng sắp tới.

Đầu tiên là với Quốc hội. Lưỡng đảng có một tuần để đạt được thỏa thuận cấp ngân sách cho 7 bộ còn lại trong chính phủ, bao gồm cả Bộ An ninh Nội địa. Nhiều thông tin cho thấy rằng các nghị sĩ có thể sẽ đồng ý cấp ngân sách xây dựng một số loại hàng rào hoặc barrier biên giới. Tổng thống Trump sẽ khôn ngoan để chấp nhận bất cứ điều gì họ đưa ra, bởi một lần nữa chính phủ đóng cửa sẽ là thảm họa. Nếu Tổng thống và đội ngũ của ông không hài lòng với con số mà Quốc hội đưa ra, ông có thể cố gắng thực thi thẩm quyền theo luật định của mình để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và lấy lại tiền từ Bộ Quốc phòng để xây dựng bức tường biên giới.

Phép thử thứ hai là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Theo kế hoạch, sự kiện này diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội. Theo Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, Mỹ vẫn giữ nguyên đề xuất: Hành động phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược của Triều Tiên sẽ được tiếp nối bằng việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và mở đường cho đầu tư kinh tế. Nhưng câu trả lời của Triều Tiên là: Hãy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước và chúng tôi sẽ xem xét.

Kết quả vốn không chắc chắn về cuộc gặp lại đang phụ thuộc vào khả năng ngoại giao cá nhân của Tổng thống Trump. Hiện không rõ hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi những gì tại Hà Nội, cũng như những gì mà Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Đặc phái viên Biegun sẽ làm nơi hậu trường. Vì thế lúc này giới phân tích hoài nghi một phép lạ sẽ xảy ra. Một kết quả khả quan theo họ có thể là: duy trì tiến trình mà không có bất kỳ sự nhượng bộ đột phá nào từ cả  hai phía. Hiện trạng Triều Tiên kiềm chế không phóng thử ICBM được cả hai bên chấp nhận, thay vì để ngỏ nguy cơ chiến tranh và một thỏa thuận gây nguy hiểm cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Á.

Cuối cùng, là vấn đề Trung Quốc. Thuế suất của Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 25% từ ngày 1-3 trừ khi hai cường quốc đạt được thỏa thuận. Trung Quốc, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi rào cản thuế quan mà Tổng thống Trump đã áp đặt, có vẻ muốn cam kết tăng nhập khẩu của Mỹ nhưng lại còn do dự giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc về đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ và doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, ông Trump phải đối mặt với áp lực lớn từ thị trường chứng khoán và ngành nông nghiệp đang tổn thất nặng bởi chiến tranh thương mại. Cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều có động cơ để thực hiện một thỏa thuận. Nhưng cũng sẽ không ngạc nhiên nếu Tổng thống Trump ra lệnh rời khỏi bàn đàm phán.

National Review cho rằng sự khó lường của nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ông tiến xa, nhưng cũng tạo ra một bầu không khí khó đoán định. Lợi ích chính trị quan trọng của ông là duy trì mở rộng kinh tế và hòa bình quốc tế trong khi giành lại sự ủng hộ của các cử tri độc lập bằng cách bình thường hóa hành xử của mình và hạ uy tín các đối thủ. Điều đó đòi hỏi ông đôi khi phải trả lời đồng ý, tuyên bố chiến thắng, để rồi bước tiếp. Đó là những gì Tổng thống Trump có thể sẽ làm trong xử lý mối quan hệ với Quốc hội và vấn đề Trung Quốc, trong khi tiếp tục giữ cho “bóng lăn” và duy trì các biện pháp trừng phạt chặt chẽ đối với Triều Tiên.

THU HẰNG

;
.