Vì sự an toàn, sớm loại bỏ mũ bảo hiểm lưỡi trai

Chủ Nhật, 25/10/2020, 17:11 [GMT+7]
In bài này
.

Ban ATGT Quốc gia vừa đề xuất bỏ mũ bảo hiểm lưỡi trai trong hồ sơ kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm (MBH), vì MBH lưỡi trai hiện nay không bảo đảm chất lượng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông khi gặp tai nạn. Đề xuất trên đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân khi cho rằng cần nâng cao chất lượng MBH cũng như ý thức tham gia giao thông của người dân.

Các loại MBH dạng lưỡi trai thường chỉ có lớp nhựa, không có lớp đệm xốp bảo vệ chống xung động theo quy chuẩn, nên không bảo đảm an toàn. Trong ảnh: Người tham gia giao thông đội MBH lưỡi trai trên đường phố TP. Bà Rịa.
Các loại MBH dạng lưỡi trai thường chỉ có lớp nhựa, không có lớp đệm xốp bảo vệ chống xung động theo quy chuẩn, nên không bảo đảm an toàn. Trong ảnh: Người tham gia giao thông đội MBH lưỡi trai trên đường phố TP. Bà Rịa.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH cho người đi mô tô, xe máy của Bộ KH-CN quy định MBH phải đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đạt hàng loạt chỉ tiêu khác liên quan đến kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn đối với người dùng. Do đó, theo Ban ATGT Quốc gia với quy định như trên thì MBH lưỡi trai không được xem là MBH dành cho người đi môtô, xe máy. Bởi, các loại MBH dạng lưỡi trai đó chỉ có lớp nhựa, không có lớp đệm xốp bảo vệ chống xung động. Người đội những loại mũ này khi không may gặp tai nạn thì hậu quả tổn thương phần đầu, mặt là rất lớn. Ban ATGT Quốc gia đã đề xuất bỏ chữ “MBH lưỡi trai” trong hồ sơ kiểm định nhằm góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng MBH, đồng thời bảo vệ người tham gia giao thông đi môtô, xe máy tốt hơn.

Một số ý kiến người dân cho rằng, việc bỏ MBH lưỡi trai ra khỏi danh sách MBH dành cho người đi môtô, xe máy là hợp lý và nên triển khai thực hiện sớm. Anh Nguyễn Quốc Bảo (khu phố 3, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) cho biết, MBH lưỡi trai dùng cho người đi môtô, xe máy đã sai ngay từ khâu thiết kế, dù mũ có được làm từ vật liệu tốt, cứng đạt chuẩn đi chăng nữa vẫn không bảo đảm an toàn cho người đi môtô, xe máy. Bởi mũ lưỡi trai khi tai nạn té sấp mặt xuống đường, cái lưỡi trai sẽ nhô lên phía trước và trong một số trường hợp có thể làm tổn thương phần cổ người đội, như thế đội MBH lại càng nguy hiểm. Nếu so về độ bảo vệ an toàn với MBH đội trùm kín đầu và mũ ¾ đầu thì MBH lưỡi trai là kém nhất. 

“Ở nước ngoài không hề có loại MBH lưỡi trai như ở Việt Nam, trong khi đó ở nước ta MBH lưỡi trai được sử dụng khá phổ biến. Chỉ vì cái tiện che mưa che nắng trước mắt mà làm giảm an toàn khi tai nạn giao thông là không đáng. Cơ quan chức năng cần hoàn chỉnh quy định về nhận diện đối với sản phẩm mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy và có chế tài cụ thể với những người cố tình sử dụng những loại mũ không đúng quy chuẩn. Song song đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường bán MBH dành cho người đi môtô, xe máy”, anh Bảo kiến nghị.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến đường tại TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa và cả các địa phương trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh những người tham gia giao thông với chiếc MBH lưỡi trai ở trên đầu. Đa số những người sử dụng loại MBH lưỡi trai theo quan sát của chúng tôi chủ yếu là thanh thiếu niên và chị em phụ nữ. Giải thích về việc sử dụng loại MBH này khi tham gia giao thông, nhiều người cho rằng do gọn, nhẹ, thời trang, đẹp mắt và tiện lợi nên sử dụng. “Tôi thấy gọn, nhẹ nên tôi hay dùng, đội cũng thấy đẹp nên thích, còn an toàn hay không thì tôi cũng không rõ”, chị Hồ Thị Trang (KP5, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cho biết.

Trung tá Phan Quốc Việt, Đội trưởng Đội CSGT (Công an TP. Vũng Tàu) cho biết, đề xuất của Ban ATGT Quốc gia về việc bỏ MBH lưỡi trai là có cơ sở. Bởi thực tế, MBH lưỡi trai không phải là MBH, không đúng quy cách của MBH, do đó loại mũ này không bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm, chấn thương đầu đã xảy ra liên quan đến việc người bị tai nạn đội MBH không bảo đảm chất lượng. Thời gian qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng CSGT TP. Vũng Tàu vẫn xử phạt các trường hợp người tham gia giao thông đội mũ không đúng quy cách như MBH lưỡi trai. Cùng đó, CSGT TP. Vũng Tàu cũng tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về tác hại của việc sử dụng MBH không đạt chuẩn. 

“Một bộ phận người dân tham gia giao thông vẫn lựa chọn các loại mũ theo thói quen, sự tiện dụng vì họ chưa có ý thức, chưa nhận thức rõ lợi ích của MBH đạt chuẩn. Đôi khi họ thực hiện đội mũ đơn thuần chỉ đối phó với quy định của pháp luật mà bỏ qua sự an nguy của bản thân mình”, Trung tá Phan Quốc Việt cho biết.

Theo Ban ATGT tỉnh, việc đội MBH đạt chuẩn sẽ làm giảm tỉ lệ tử vong 40 đến 42% và giảm tỉ lệ thương tật nặng tới 69% trong trường hợp gặp tai nạn. Nhược điểm của MBH lưỡi trai là khả năng bảo vệ thấp, không an toàn khi có va chạm mạnh. Vì vậy, để nâng cao ý thức của người dân trong việc đội MBH chất lượng tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra chất lượng MBH. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử phạt những mặt hàng MBH là hàng trôi nổi, không bảo đảm chất lượng. Về phía Ban ATGT và các đơn vị liên quan, sẽ tăng cường tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân khi sử dụng MBH.

Bài, ảnh: THANH HẢI

;
.