.

Cảnh giác với các chiêu lừa mua bán người

Cập nhật: 15:10, 09/07/2018 (GMT+7)

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian gần đây, hoạt động tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch số 99/KH-BCĐ về việc hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” năm 2018. Theo đó, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác đấu tranh, xử lý tội phạm mua bán người, đồng thời chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, thay đổi hành vi trong xã hội về phòng, chống mua bán người.

XẢY RA HÀNG TRĂM VỤ MUA BÁN NGƯỜI

Đối tượng Nguyễn Thị Hiên cầm đầu đường dây mua bán người xảy ra ở huyện Đất Đỏ bị lực lượng BĐBP tỉnh bắt giữ trong chuyên án 259N.
Đối tượng Nguyễn Thị Hiên cầm đầu đường dây mua bán người xảy ra ở huyện Đất Đỏ bị lực lượng BĐBP tỉnh bắt giữ trong chuyên án 259N.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện “Đề án tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và nhân rộng mô hình hoạt động Đội công tác xã hội tình nguyện” do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 6-7 vừa qua cho biết, từ ngày 16-11-2015 đến ngày 15-5-2018, cả nước đã xảy ra 885 vụ mua bán người, với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. Cũng trong thời gian này, các đơn vị, cơ quan chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trở về 1.117 nạn nhân bị mua bán.

Trên địa bàn tỉnh BR-VT, trong những năm qua đã xảy ra 2 vụ mua bán người được các lực lượng phá án thành công, giải cứu nạn nhân đưa về đoàn tụ với gia đình. Đơn cử như, vào trung tuần tháng 3-2017, BĐBP tỉnh BR-VT nhận được nguồn tin về đường dây mua bán người do một người có biệt danh là “Đình Đình” cầm đầu. Đối tượng này tên thật là Bùi Thị Sang (sinh năm 1984, trú tại TX.Phú Mỹ). Năm 2015, Sang lấy chồng người nước ngoài tên là A Dín, trú tại huyện Hồng An, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc. Khoảng giữa năm 2016, Sang và A Dín về Việt Nam, bắt đầu hành trình phạm tội. Nạn nhân mà bọn chúng nhắm tới là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên cùng địa bàn. Ngộ nhận về tương lai tươi sáng nơi miền đất lạ, lao động nhẹ với mức lương cao, sinh hoạt tiện nghi đầy đủ, nên chị V.T.H. (sinh năm 1968, làm nghề bán vé số dạo, ngụ TX.Phú Mỹ) đã nghe theo lời đường mật của Sang, đồng ý đi lao động bên Trung Quốc với công việc là hái chè. Tháng 8-2016, Sang và A Dín đưa chị H. xuất cảnh ra nước ngoài. Sau khi đến huyện Hồng An, tỉnh Hồ Bắc-Trung Quốc, Sang cùng mẹ của A Dín đã bán chị H. với số tiền 70 ngàn nhân dân tệ (tương đương 210 triệu đồng Việt Nam) để bắt chị H. “làm vợ” cho Uông Lập Dũng (sinh năm 1954) - một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi, xa lạ. Từ đó, cuộc sống nơi đất khách quê người của chị H. vô cùng khó khăn, bị “chồng” ép buộc quan hệ tình dục, hành hạ, giam lỏng không cho liên lạc ra bên ngoài.

Vào đầu tháng 4-2017, nhờ sự giúp đỡ của người tốt bụng bên Trung Quốc, chị H. đã bí mật liên lạc được với BĐBP tỉnh để cầu cứu. Theo đó, ngày 10-5-2017, lực lượng phá án của BĐBP tỉnh phối hợp với lực lượng đặc nhiệm của Cục phòng chống ma túy và tội phạm – Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam thực hiện cuộc hành trình dài hơn 4.000km, giải cứu thành công chị H. đưa về gia đình. Tiếp đến, BĐBP tỉnh đã bắt giữ được Bùi Thị Sang vào tháng 8-2017, sau khi đối tượng này trở về Việt Nam để tiếp tục thực hiện hành vi dụ dỗ, lừa đảo phụ nữ khác bán sang Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 5-2015, sau 2 tháng lập chuyên án 259N, BĐBP tỉnh đã đấu tranh thành công, triệt phá đường dây mua bán người xuyên quốc gia xảy ra tại huyện Đất Đỏ. Đường dây này do Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1985, HKTT tại tỉnh Bến Tre) cầm đầu, đã lừa đảo bán chị N.T.H (trú huyện Đất Đỏ) sang Trung Quốc.

DÈ CHỪNG DÍNH BẪY LỪA

Theo đánh giá của Bộ Công an, hoạt động tội phạm mua bán người trong những năm qua diễn biến phức tạp. Kẻ xấu dụ dỗ phụ nữ từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát trong nước, kể cả đưa ra nước ngoài ép hành nghề mại dâm, nô lệ tình dục. Nam giới và trẻ em cũng trở thành nạn nhân của nạn mua bán người, bị lừa ép ra nước ngoài để cưỡng bức lao động, buôn bán nội tạng....

Các chuyên gia tội phạm học Bộ Công an khuyến cáo: Nếu chú ý quan sát đối tượng tiếp xúc với mình, có thể phát hiện ra những dấu hiệu lừa đảo của kẻ buôn người. Chẳng hạn như, cử chỉ thái độ bất thường khi tiếp xúc, tính vô lý trong câu chuyện, sự không rõ ràng về lý lịch, hoạt động nghề nghiệp… Khi chưa thể biết rõ địa chỉ, quan hệ, công việc hiện tại của họ, tuyệt đối không được làm theo những gợi ý, đề nghị của kẻ đó. Đặc biệt, với những lời rủ rê đi làm ăn xa, công việc nhàn hạ nhưng thu nhập lại cao, thì hãy hết sức dè chừng, vì đó là một cái “bẫy” đang giăng ra với mình. 

Trường hợp đối tượng nói ra địa chỉ nơi sẽ tiếp nhận mình vào làm việc ở xa, cần phải xác minh bằng cách gọi điện thoại đến địa chỉ đó, hoặc nhờ người quen tại chỗ tìm hiểu giúp. Nếu thấy không yên tâm thì nên từ chối ngay. Quan trọng nhất là phải nói rõ dự định của mình cho nhiều người thân trong gia đình biết, cũng nên rủ những người mà mình tin tưởng cùng đi cho yên tâm. Nếu người lạ mời ra nước ngoài du lịch, tham quan, dự hội thảo… không mất tiền thì càng phải thận trọng hơn nữa.

Đối với trẻ em, người lớn cần hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ trước hoạt động của tội phạm mua bán người. Theo đó, các em cần tuyệt đối không đưa hết các thông tin cá nhân của mình, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có của gia đình lên Facebook, Zalo, Messenger... Vì hiện nay, tội phạm thường tìm kiếm “săn mồi” từ các trang mạng xã hội. Các em nên cảnh giác với những mối quan hệ quen biết trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội. Với những mối quan hệ mà mình có nghi vấn, các em cần tâm sự với cha mẹ, người thân lớn tuổi để nghe lời khuyên. Đặc biệt, không được tự ý đi chơi xa với những người mới quen biết.

Hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề cho hầu hết các nạn nhân, khi họ trở về sẽ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Về thể chất, sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, bị giam giữ, bị đánh đập, tra tấn đến mang thương tích, bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác. Cùng với đó, tinh thần thì hoảng loạn, không ổn định do còn ám ảnh nỗi sợ hãi trong những ngày bị mua bán, dẫn đến ức chế tâm lý, trầm cảm. Do vậy, mua bán người không chỉ đơn thuần là hành vi phạm tội, mà đó là tội ác cần phải được pháp luật nghiêm trị thích đáng.

MINH KHÔI

Theo quy định của Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH ngày 10 - 7- 2017) về tội mua bán người, tùy theo hành vi và trường hợp phạm tội cụ thể, sẽ bị xử phạt tù từ 5 - 20 năm (Điều 150); Phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, bị xử phạt tù từ 7 - 20 năm, hoặc tù chung thân (Điều 151).

 

.
.
.