NHỮNG NGÔI TRƯỜNG ĐẶC BIỆT

Hồi ức về Trường Văn Lương anh hùng

Thứ Tư, 20/05/2020, 21:57 [GMT+7]
In bài này
.

Mở đầu chuyên đề “Những ngôi trường đặc biệt” là câu chuyện về Trường Văn Lương (nay là trường THCS Văn Lương), qua hồi ức của ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, một trong những HS lứa đầu tiên của trường. Qua câu chuyện, độc giả sẽ hiểu hơn về ngôi trường từng được mệnh danh là “Một mũi xung kích từ miền Đông”, nơi hội tụ của những con người mang trái tim cộng sản.  

Thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Văn Lương (bìa phải) phát biểu tại một buổi lễ của trường. Ảnh tư liệu
Thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Văn Lương (bìa phải) phát biểu tại một buổi lễ của trường. Ảnh tư liệu

“MỘT MŨI XUNG KÍCH TỪ MIỀN ĐÔNG”

Khi tôi mới 3 tuổi, ba tôi (Anh hùng LLVTND Trần Văn Thượng) đã hy sinh. Đồng chí, đồng đội của ba đến thăm, khuyên tôi nên học tập và rèn luyện, đi theo con đường của ba. Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, bác Nguyễn Văn Đường (thầy Năm Đường), chính trị viên Đội du kích Quang Trung năm xưa, cũng là cấp trên của ba nói với ông nội tôi: “Ít hôm nữa tôi mở trường, ông cho cháu ra đó học…”. 12 tuổi, tôi vào học trường Văn Lương, vừa học chữ, vừa học làm người và học làm cách mạng. 

Thầy Năm Đường từng kể, khi Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Võ Văn Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Chợ Lớn trước khi đi tập kết đã đến gặp thầy gửi gắm những lời đầy tâm huyết: “Thầy ở lại cố gắng mở trường học để tạo thế công khai cho hoạt động trí thức vận. Qua đây, con em các đồng chí đi tập kết, gia đình cách mạng, gia đình nghèo có nơi học tập, lại đào tạo được đội ngũ cán bộ kế cận cho cách mạng sau này”. Nhận trọng trách, thầy Năm Đường đã cùng thầy Nguyễn Thành Long (Tám Long), một giáo chức uy tín, đang là Bí thư Đảng Dân chủ của tỉnh đứng ra thành lập trường. Xin giấy phép chưa có, 2 thầy tới gặp thầy Võ Vạn Lượng để mượn tạm giấy phép mở trường Tiểu học “Vạn Lượng học đường”. Tháng 9/1955, trường “VAN LUONG HOC DUONG” ra đời tại thị trấn Long Điền do thầy Tám Long làm Hiệu trưởng. Bảng hiệu không có dấu vì các thầy muốn khi có giấy phép sẽ lấy tên chính thức là trường Trung Tiểu học Văn Lương.

Trong các giờ dạy, ngoài truyền đạt kiến thức, các thầy cô không quên lồng ghép những câu chuyện giác ngộ lòng yêu nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Bà Rịa, thầy và trò trường Văn Lương liên tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh kiên cường với các yêu sách “chống khủng bố, chống trả thù”, chống đóng cửa trường và đòi can thiệp thả những thầy cô, HS bị giam giữ. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của thầy, trò trường Văn Lương, năm 1959, chính quyền Sài Gòn dán thông cáo đóng cửa trường, nhưng HS vẫn đến học, thầy vẫn đến dạy và Hội phụ huynh vẫn làm việc. Địch càng khủng bố đàn áp, phong trào đấu tranh cách mạng của thầy trò Trường Văn Lương càng bùng lên. Trên mặt trận chính trị, trường Văn Lương được mệnh danh là “Một mũi xung kích từ Miền Đông”.

HS lớp 7H, Trường THCS Văn Lương trong tiết học Lịch sử của cô Phan Thị Hòa. Ảnh: KHÁNH CHI
HS lớp 7H, Trường THCS Văn Lương trong tiết học Lịch sử của cô Phan Thị Hòa. Ảnh: KHÁNH CHI

NƠI ĐÀO TẠO NHỮNG CÁN BỘ ƯU TÚ

Ban đầu, Trường Văn Lương chỉ có 2 lớp, chưa đến 100 HS, với 6 GV. Sau đó, dù bị kìm kẹp từ kẻ thù nhưng trường vẫn phát triển lên 9 lớp, với 500 HS và 15 GV. Lúc bấy giờ, chỉ có Trường Văn Lương là có tổ chức Hiệu đoàn HS và Hội phụ huynh HS hoạt động có chất lượng. Nhờ biết tạo sức mạnh tổng hợp và cách tổ chức đào tạo tiên tiến nên chất lượng học tập, rèn luyện của trường luôn vượt trội, nhiều kỳ thi có tới 100% HS thi đậu.

Năm 1962, do yêu cầu của tình hình mới, trường phải đóng cửa. Trong 7 năm hoạt động, Trường Văn Lương là nơi quy tụ, đào tạo nên những con người có trái tim cộng sản. Trên 400 thanh thiếu niên, trên 200 thầy cô giáo, HS đã xếp bút nghiên ra chiến khu tham gia cách mạng; trên 50 HS ưu tú của trường được công nhận liệt sĩ. Số còn lại là những cán bộ kiên trung, nòng cốt trong giai đoạn chiến tranh và cả sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thầy trò Trường Văn Lương cũng luôn thể hiện rõ bản lĩnh anh hùng “Sống giữa lòng địch mà không run sợ, trước những đòn roi vẫn bất khuất, hiên ngang”.

Năm 1993, trường tái thành lập theo Quyết định của Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh BR-VT và được đổi tên thành trường THCS Văn Lương. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của trường Văn Lương năm xưa, trường THCS Văn Lương luôn nêu cao tinh thần hiếu học, không ngừng cải tiến phương pháp dạy học, xây dựng trường thành khối đoàn kết “Giàu trí tuệ, nặng tình thương, vững kỷ cương, trường gương mẫu.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng trong tôi không bao giờ phai mờ dấu ấn về những con người mang trái tim cháy bỏng của người cộng sản. Đó là thầy Năm Đường, một trí thức yêu nước, luôn vững vàng, năng động, sáng tạo, là người đã góp phần tích cực cho sự ra đời và phát triển của trường Văn Lương; thầy Tám Long, người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, cứu nước. Bên cạnh đó, còn là thầy Võ Văn Ấn, thầy Bảy Chiếu, anh Thái Văn Tài…

TRẦN VĂN KHÁNH

(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh BR-VT)

 
;
.