Dấu ấn di chỉ Gò Cá Sỏi

Thứ Hai, 16/12/2019, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Di tích khảo cổ học Gò Cá Sỏi thuộc ấp Ông Trịnh, xã Phước Hòa (nay thuộc phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ). Gò Cá Sỏi nằm trọn trong vùng sát ven biển ngập mặn trên một tứ giác với hai cạnh là quốc lộ 51 và sông Thị Vải.

Dao đá được tìm thấy trong hố khai quật tại di tích Gò Cá Sỏi.
Dao đá được tìm thấy trong hố khai quật tại di tích Gò Cá Sỏi.

Di tích này là một trong 9 gò (Giồng Tranh, Gò Ông Kiểng 1, 2, 3, Gò Cây Mai) có vết tích thời tiền sử, được phát hiện từ tháng 2/1998 trong đợt điều tra phối hợp giữa Trung tâm khảo cổ học Nam Bộ - Viện khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh BR-VT. Đây là một gò đất nhỏ nổi lên trên bề mặt của toàn khu vực xung quanh khoảng hơn 1m, hiện tượng này thấy rất rõ khi nước triều lên xuống mỗi ngày. Phía trên mặt gò là lớp đất phù sa màu đen, hình thành trong quá trình phong hóa các loại rễ, lá cây và phù sa. Với diện tích khai quật hơn 156m2, tầng văn hóa ở di chỉ này có độ dày 1,1m chia thành 5 lớp, mỗi lớp có độ dày từ 20-25cm. Ở lớp mặt, đất màu đen lẫn nhiều gạch nung vỡ, dạng hình tròn hay tròn dẹp nằm rải rác khắp mặt gò. Gốm vỡ cũng xuất lộ, do việc đào lò than nổi lên. Gốm ở lớp này thưa thớt và rất vụn. Lớp 2 lác đác xuất lộ một số công cụ sản xuất bằng đá và một số cụm gốm. 

   Lớp 3 tầng văn hóa vẫn tiếp tục bị xáo trộn, gốm xuất lộ khá nhiều, trong lớp này xuất hiện 3 cụm sò lớn. Các cụm này gồm nhiều vỏ sò nguyên dạng, cũng như các mảnh bị vôi hóa có lẫn nhiều mảnh gốm. Độ dày của các cụm gốm này khoảng 15-20cm. Đặc biệt phát hiện một cụm hòn ghè, tập trung trong một khu vực rộng khoảng 25cm x 25cm, với nhiều kích thước và màu sắc khác nhau. Công cụ sản xuất cũng tập trung khá nhiều ở lớp này. Tầng văn hóa tiếp tục bị xáo trộn với việc phát hiện nhiều tro than hiện đại và một số mảnh sành có niên đại muộn. Cũng trong lớp này hiện tượng gạch nung vẫn còn phát hiện lẻ tẻ. Trong những khu vực không bị xáo trộn gốm tập trung khá dày đặc và công cụ sản xuất bằng đá cũng như các loại hòn ghè phát hiện được nhiều. Lớp 4 công cụ sản xuất đá thưa dần ở độ sâu này riêng gốm vẫn xuất hiện với mật độ cao trên bình diện cả hai hố khai quật. Có lẽ do mặt nguyên sinh nằm ở trên phần đỉnh gò cao hơn xung quanh, mặt tiếp xúc giữa lớp 4 và sinh thổ có nhiều gốm. Lớp dưới cùng khá thuần nhất, bình diện là loại đất sét nhuyễn màu xanh xám. Quá trình khai quật đoàn đã phát hiện hơn 10.000 mảnh gốm mà hầu hết đồ gốm đều bị vỡ thành nhiều mảnh, không có điều kiện gắn chắp thành loại hình. Nguyên nhân do di tích bị xáo trộn hoặc do môi trường ngập mặn đã gây những ảnh hưởng nhất định đến sự hủy hoại này. Trong đợt khai quật đã phát hiện được 44 rìu đá các loại gồm: rìu tứ giác, rìu có vai, mảnh vỡ rìu, bàn mài, con dao đá. Trong tầng văn hóa bên cạnh các đống vỏ sò còn tìm thấy 47 hòn ghè, mà người tiền sử đã sử dụng. Hòn ghè được phân bố rải rác trên khắp bình diện hố và có mặt trong các lớp đất khai quật, hầu hết các hòn ghè là một loại cuội có nhiều màu sắc khác nhau như xám đen, xám trắng, nâu, nâu vàng… với nhiều hình dạng khác nhau như hình trụ tròn, hình trụ hơi dẹt, hay bầu dục. Quan sát tất cả sưu tập này cho thấy đã qua sử dụng, biểu hiện trên các vết mòn xước ở hai đầu, cá biệt cũng có viên cuội được sử dụng để mài. Loại hình này thường thấy phát hiện được trong các di tích khảo cổ học tiền sử. Nhưng ở Gò Cá Sỏi là địa điểm phát hiện được một bộ sưu tập hòn ghè có khối lượng lớn và đa dạng. Với sưu tập công cụ đá và gốm của địa điểm khảo cổ học Gò Cá Sỏi so với các di tích khác của miền Đông Nam Bộ niên đại tuơng đương với các di tích Bình Ba (Đồng Nai), Bến Đò (TP. Hồ Chí Minh) có niên đại khoảng 3.000 năm, được xem là di chỉ khảo cổ học cổ nhất của BR-VT đã được khai quật và phát hiện. Phát hiện chuỗi di tích vùng ngập mặn ven biển trong đó có địa điểm Gò Cá Sỏi khá quan trọng, có ý nghĩa bổ sung nguồn tư liệu mới về thời tiền sử Đông Nam Bộ.

Nguyễn Duyên Tâm

 
;
.