Bưng Thơm - Dấu tích cư trú của cộng đồng cư dân thời tiền-sơ sử

Thứ Sáu, 13/12/2019, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Di tích khảo cổ học Bưng Thơm nằm kề di tích Bưng Bạc, cách 4,5km đường chim bay về phía Đông, thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. So với di tích Bưng Bạc, di tích Bưng Thơm được phát hiện muộn hơn. 

Cọc gỗ nhà sàn xuất lộ tại hố khai quật khảo cổ tại di tích Bưng Thơm.
Cọc gỗ nhà sàn xuất lộ tại hố khai quật khảo cổ tại di tích Bưng Thơm.

Trong đợt khảo sát các địa điểm khảo cổ học toàn tỉnh vào tháng 3/1994 do Bảo tàng tỉnh phối hợp cùng Ban Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh phát hiện. Đây là một di tích quan trọng cung cấp thêm các mẫu vật, với cứ liệu chính xác để đánh giá, nhận định khách quan hơn về nơi cư trú của cư dân thời tiền sơ sử tỉnh BR-VT trong nhiều năm còn bỏ ngỏ.

Di tích Bưng Thơm được khai quật vào tháng 3/1997, do Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng lịch sử Việt Nam với diện tích 342m2 thu nhận gần 17.000 di vật, gồm: 16.400 mảnh gốm và đồ gốm, 3 hiện vật đồ đồng, 96 hiện vật đá, 367 hiện vật gỗ, một số mảnh vòng, móng thú, dấu vết nhựa cây đã nấu, vài mảnh vỏ hạt cứng, vỏ lúa. Di tích Bưng Thơm gắn liền với cư dân cổ cư trú kiểu nhà sàn trên đầm lầy ven biển Ðông Nam Bộ. Chủ nhân Bưng Thơm là một trong những nhóm cư dân khai phá và chiếm những vùng châu thổ mới vùng cửa sông cận biển. Thời tiền, sơ sử, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, tuy nhiên ở Bưng Thơm là những làng kinh tế nông nghiệp có sự mở rộng của lao động thủ công. Thời kỳ này con người đã trồng lúa gạo, bằng chứng là sự có mặt của vỏ trấu thóc và những mảnh gốm có thể khối lớn cho thấy nhu cầu đồ đựng, đồ nấu ăn rất lớn. Việc sử dụng nông cụ thời này đã có sự thay đổi quan trọng. Công cụ đá chủ lực trước đây dùng cho việc chặt phá, được thay thế dần bằng đồ kim loại (đồ đồng, đồ sắt). Nhiều rìu đá, bôn đá… được mài tà lưỡi để sử dụng vào các công việc khác. Công cụ thu hoạch có thể sử dụng dao gặt bằng đá hoặc bằng sắt. Tuy nhiên việc thu hoạch có lẽ chủ yếu vẫn thực hiện bằng tay. Chế tác đá là một nghề thủ công lâu đời và quan trọng không phải chỉ trong thời đại đồ đá mà cả trong thời đại kim khí, đồ đá hiện diện gần gũi ngay cả với con người trong thời hiện đại. Bởi đồ đá đáp ứng nhiều cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của cuộc sống con người. Trong xã hội làng cổ đã có sự chuyên môn hóa cao trong phân công lao động thủ công. Có thể xem Bưng Thơm là một trường hợp điển hình ở vùng Ðông Nam Bộ vào thời đại kim khí. Tại Bưng Thơm, bên cạnh các bếp lửa sinh hoạt nguyên thủy tích tụ dày than tro, là sản phẩm của hoạt động thủ công đa ngành được lưu giữ lại. Ðồ gốm cho biết đây là một trong những làng nghề làm gốm tiêu biểu. Gốm Bưng Thơm là gốm mịn, được nung ở nhiệt độ khá cao (8000C-1.0000C), sử dụng kỹ thuật tô màu lên sản phẩm trước khi nung. Dấu hiệu về nghề mộc ở Bưng Thơm phản ánh qua kỹ thuật làm nhà và chế tác các vật dụng, công cụ đồ gỗ. Nhà ở Bưng Thơm được dựng lên theo địa hình các rạch nước. Kiểu nhà đơn giản, lợp mái, lót sàn. Ngoài việc làm nhà, nghề mộc còn cung cấp những sản phẩm khác như con dao, mái chèo tay, thuyền độc mộc, những chiếc dưỡng gỗ làm cốt trong việc đúc đồng... và chắc chắn còn nhiều sản phẩm khác tre, gỗ là vật liệu gắn bó với cư dân vùng Ðông Nam Á, dễ bị hủy hoại theo thời gian và môi trường nóng ẩm vùng nhiệt đới. Hoạt động trao đổi buôn bán là ngành kinh tế phản ánh rõ nét giao lưu tiếp xúc văn hóa. Các hoạt động sản xuất của cư dân Bưng Thơm đã vượt xa tính chất tự cung tự cấp mà trở thành nguồn cung cấp sản phẩm hàng hóa để trao đổi.. Tuyến đường trao đổi, buôn bán hẳn được thực hiện ngược xuôi theo dòng sông Ðồng Nai, sông Mêkông và theo đường biển ven bờ. Khu vực Long Sơn, Cần Giờ, do vị trí cửa sông cửa biển hoạt động mua bán trao đổi phát triển mạnh mẽ, có thể đã là những “cảng thị sơ khai”. Về đời sống văn hoá tinh thần cư dân cổ nơi đây đã đạt tư duy nghệ thuật cao trong các họa tiết trang trí đồ án hoa văn trên gốm, đồ đồng hay trang sức...   

Khuôn đúc đồng bằng đá được phát hiện  tại di tích Bưng Thơm, xã Long Tân, Đất Đỏ.
Khuôn đúc đồng bằng đá được phát hiện tại di tích Bưng Thơm, xã Long Tân, Đất Đỏ.

Di tích Bưng Thơm thuộc loại hình cư trú, công xưởng, thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, có niên đại 2.500-2.400 năm cách ngày nay.  

NGUYỄN DUYÊN TÂM

 
;
.